Tương lai quan hệ Trung-Mỹ và sự tác động tới trật tự thế giới

Tất cả các trụ cột hỗ trợ mối quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và Mỹ - an ninh, phát triển kinh tế và văn hóa - đều đang bị cả hai bên làm cho suy yếu.
Tương lai quan hệ Trung-Mỹ và sự tác động tới trật tự thế giới ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Báo The Sunday Times (Singapore) đã đăng bài phân tích cho rằng hai nước lớn không thể tồn tại cùng nhau - đó là cái bẫy Thucydides.

Trong kỷ nguyên hiện nay, hai cường quốc này chính là Mỹ và Trung Quốc.

Theo bài viết, quan hệ Trung-Mỹ hiện là vấn đề quan trọng nhất, bởi trật tự toàn cầu chỉ có thể được thiết lập thông qua một mối quan hệ có trật tự và hữu ích giữa Trung Quốc và Mỹ.

Không nước nào có thể hiện thực hóa tiềm năng đầy đủ thực sự của mình nếu sự chống đối của nước kia cản trở những tiến triển.

Hiện nay, điều không may là các động lực lại đang phản tác dụng. Tất cả các trụ cột hỗ trợ mối quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và Mỹ - an ninh, phát triển kinh tế và văn hóa - đều đang bị cả hai bên làm cho suy yếu. Ngày càng có nhiều mối lo ngại về an ninh đối với mọi khía cạnh khác của quan hệ Mỹ-Trung.

[Cuộc đối đầu Mỹ-Trung Quốc và sự quan ngại của ASEAN]

Những thành tích kinh tế và văn hóa không thể bù đắp một cách đầy đủ cho cái được coi là những mất mát về an ninh.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy người dân ở cả Mỹ và Trung Quốc ngày càng coi bên kia là “mối đe dọa.”

Tỷ lệ dân chúng Mỹ không ủng hộ Trung Quốc năm 2019 thậm chí đã vượt quá tỷ lệ không ủng hộ rất cao năm 1989, năm xảy ra sự kiện bạo lực ở Quảng trường Thiên An Môn.

Hơn nữa, hiện đang có xu hướng rõ ràng ở cả Mỹ và Trung Quốc hướng tới việc cho rằng các tổ chức xã hội dân sự và giáo dục đang hoạt động trên địa bàn nước kia là những công cụ theo dõi chứ không phải để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và chia sẻ lợi ích.

Nước Mỹ trong gần hai thập kỷ qua đã làm xói mòn sức mạnh mềm lớn nhất của chính mình. Sức mạnh mềm này bao gồm việc quản lý có trật tự ở trong nước và cách ứng xử có trách nhiệm ở nước ngoài.

Một loạt vấn đề đã làm suy giảm uy tín của Mỹ: cuộc chiến tranh Iraq, sự quản lý yếu kém nền kinh tế trong nước, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và việc rút khỏi các hiệp định quốc tế mà Washington đã ủng hộ và ký kết.

Chủ trương “Nước Mỹ trước tiên” được Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy là một học thuyết không thu hút được bất kỳ ai ngoài một nhóm nhỏ dân chúng Mỹ. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đã bị ông Trump làm tổn thương.

Về phía Trung Quốc, lời khuyên của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình là “giấu mình” và Trung Quốc cần phải chấp nhận thực tế rằng trong nhiều trường hợp, Trung Quốc vẫn đứng sau Mỹ: “Nếu là người thực dụng, anh sẽ biết khi nào cần dừng lại và khi nào cần tiến lên.”

Nhìn vào các chính sách của Trung Quốc gần đây, một số trong đó thể hiện thái độ hung hăng của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng, dường như lời khuyên này cần được khôi phục.

Ở giai đoạn này, Trung Quốc phải cải thiện các chính sách mở cửa nền kinh tế cho thương mại - điều mà Bắc Kinh đã hứa hẹn với thế giới. Bắc Kinh cũng đã cam kết tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.

Việc Trung Quốc sẽ tổ chức sự phát triển kinh tế như thế nào là vấn đề riêng của nước này, trong đó có cách thức nước này sẽ lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các mục tiêu phát triển công nghệ của mình, và vạch ra thời hạn để đạt được các mục tiêu đó.

Chiến lược của Mỹ ở châu Á là ngăn chặn việc một nước lớn hay một liên minh duy nhất kiểm soát khu vực Âu-Á và Thái Bình Dương.

Mỹ ngày càng nói nhiều đến sự cần thiết phải hợp tác với “các nước có cùng tư tưởng”, nhưng dường như không bao gồm Trung Quốc, và Trung Quốc thì coi sự bá quyền và kiềm chế là mục tiêu tối thượng trong các chính sách của Mỹ.

Mỹ hiện đang phải đối mặt với Trung Quốc và Nga. Hai nước này đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung như một sự răn đe đối với Mỹ.

Sự gắn kết giữa Bắc Kinh và Moskva ngày càng chặt chẽ hơn khi Washington tìm cách xây dựng một liên minh đối chọi bằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mình.

Động thái này đã khiến mối quan hệ Mỹ-Trung chuyển từ nghi ngờ chiến lược lẫn nhau sang mâu thuẫn chiến lược và răn đe lẫn nhau.

Vì vậy, những tín hiệu của sự suy giảm hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc đang xuất hiện ở khắp mọi nơi. Những bất đồng thương mại hiện nay giữa hai nước đang gây tổn thương cho nền kinh tế toàn cầu, cũng như cho người dân của chính họ.

Đương nhiên, Đài Loan và Hong Kong là những vấn đề lớn trong quan hệ giữa hai nước. Luật Đi lại Đài Loan (2018) đã được lưỡng viện Quốc hội Mỹ đồng lòng thông qua và được Tổng thống Trump ký ban hành mà không có bất kỳ tuyên bố nào được đưa ra bày tỏ ý định thực hiện đạo luật này nhất quán với 3 Thông cáo chung và Luật quan hệ với Đài Loan, vốn là những văn kiện tạo dựng khuôn khổ cho mối quan hệ Trung-Mỹ trong 40 năm qua.

Dù tới đây ai sẽ đắc cử tổng thống Mỹ, thì chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc vẫn khắt khe. Mỹ sẽ tiếp tục cho rằng Trung Quốc luôn không trung thực trong việc thực hiện những nghĩa vụ và lời hứa của mình.

Nếu sau khi nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ được bầu lên, Mỹ và Trung Quốc có thể có sự hiểu biết chung cơ bản nào đó và đặt ra một số sự nhất trí cơ bản về cách thức hai nước lớn này cần phải thực hiện trong việc vận hành trật tự quốc tế, thì khi đó sự ổn định và phát triển trên thế giới mới có thể được duy trì.

Thế giới không thể chấp nhận một nước bá quyền trong tương lai. Các mối quan hệ quốc tế cần mang tính đa phương, nơi mà Trung Quốc và Mỹ có thể là những người đứng đầu.

Giờ đây, Mỹ và Trung Quốc phải quyết định sẽ theo đuổi sự thống trị hay tìm kiếm sự cân bằng khu vực bằng cách tạo không gian vận động cho nhau. Cách tiếp cận sau dường như khả thi và thích hợp hơn.

Tuy nhiên, cả hai bên phải trả lời được câu hỏi mà họ dành cho nhau: “Liệu Mỹ có tạo không gian cho Trung Quốc trên trường quốc tế hay không?” và “Liệu Trung Quốc có để cho Mỹ chi phối khu vực, đặc biệt là ở châu Á-Thái Bình Dương, hay không?”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục