Tuyển sinh đại học 2022: Bộ thay đổi cách lọc ảo như thế nào?

Trong các mùa tuyển sinh trước, việc lọc ảo chỉ thực hiện với phương thức xét tuyển bằng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, việc thực hiện lọc ảo theo quy định mới rất được dư luận quan tâm.
Tuyển sinh đại học 2022: Bộ thay đổi cách lọc ảo như thế nào? ảnh 1Thí sinh dự tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: TTXVN)

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chạy lọc ảo cho tất cả các phương thức xét tuyển trong mùa tuyển sinh đại học năm 2022 như thế nào là một trong những nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là khi lãnh đạo một số trường đại học lo ngại về tính khả thi của ý tưởng này, còn thí sinh thì sẽ chỉ có thể đỗ một nguyện vọng thay vì đỗ cùng lúc nhiều trường như các năm trước.

Trong các mùa tuyển sinh trước, việc lọc ảo chỉ thực hiện với phương thức xét tuyển bằng điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Phương thức lọc ảo mới này vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non.

Theo đó, để thực hiện việc lọc ảo chung, từ khâu đăng ký của thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hỗ trợ tổ chức đăng ký xét tuyển đợt 1 đào tạo chính quy cho tất cả phương thức tuyển sinh của các cơ sở đào tạo. Thời gian đăng ký bắt đầu sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kết thúc sau khi có kết quả thi và xét tốt nghiệp trung học phổ thông.

Thí sinh dự tuyển đợt 1 đào tạo chính quy (bao gồm cả những thí sinh đã dự tuyển theo kế hoạch xét tuyển sớm của cơ sở đào tạo) thực hiện đăng ký xét tuyển trên hệ thống (qua Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc qua Cổng dịch cụ công quốc gia) theo kế hoạch chung và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau không hạn chế số lượng, nhưng phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Trong trường hợp nhiều nguyện vọng đủ 15 điều kiện trúng tuyển, thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng cao nhất.

Thí sinh thể hiện nguyện vọng của mình qua những lựa chọn trên phiếu đăng ký, thứ tự ưu tiên của nguyện vọng, số 1 thể hiện nguyện vọng cao nhất.

[Tuyển sinh ĐH 2022: Sẽ chấm dứt việc một thí sinh đỗ nhiều trường?]

Trong khâu xét tuyển, các cơ sở đào tạo tự chủ tổ chức xét tuyển theo các phương thức và tiêu chí xét tuyển riêng, hoặc tự nguyện phối hợp theo nhóm để tổ chức xét tuyển theo các phương thức và tiêu chí xét tuyển chung. Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn lịch trình xét tuyển và hỗ trợ việc xử lý nguyện vọng trên hệ thống, giúp các cơ sở đào tạo giảm thiểu lượng thí sinh ảo và thực hiện đúng chỉ tiêu tuyển sinh.

Cụ thể, sau khi kết thúc thời gian đăng ký nguyện vọng trên hệ thống, cơ sở đào tạo tải thông tin, dữ liệu từ hệ thống để phục vụ xét tuyển, bao gồm dữ liệu đăng ký nguyện vọng và kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kết quả học tập trung học phổ thông của những thí sinh dự tuyển vào cơ sở đào tạo theo các phương thức tuyển sinh.

Việc xét tuyển thực hiện theo nguyên tắc xét tuyển điểm trúng tuyển được xác định để số lượng tuyển được theo từng ngành, chương trình đào tạo phù hợp với chỉ tiêu đã công bố, nhưng không thấp hơn ngưỡng đầu vào. Đối với một ngành đào tạo (hoặc một chương trình đào tạo) theo một phương thức và tổ hợp môn, tất cả thí sinh được xét chọn bình đẳng theo điểm xét không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này. Trường hợp nhiều thí sinh có cùng điểm xét đứng cuối danh sách, cơ sở đào tạo có thể sử dụng tiêu chí phụ là thứ tự nguyện vọng (để xét chọn những thí sinh có thứ tự nguyện vọng cao hơn).

Sau mỗi chu kỳ xét tuyển, cơ sở đào tạo tải lên hệ thống danh sách thí sinh dự kiến đủ điều kiện trúng tuyển các ngành, chương trình đào tạo (theo các phương thức tuyển sinh và cơ sở đào tạo). Hệ thống xử lý nguyện vọng sẽ tự động loại bỏ khỏi danh sách những nguyện vọng thấp của thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển nhiều nguyện vọng, trả lại danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển theo nguyện vọng cao nhất.

Căn cứ kết quả xử lý nguyện vọng, cơ sở đào tạo lặp lại quy trình xét tuyển ở chu kỳ sau, điều chỉnh điểm trúng tuyển cho phù hợp với chỉ tiêu trong thời hạn quy định. Ở chu kỳ cuối, cơ sở đào tạo quyết định điểm trúng tuyển vào các ngành, chương trình đào tạo (theo các phương thức tuyển sinh) và tải lên hệ thống danh sách (chính thức) thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển. Trên cơ sở kết quả xử lý nguyện vọng cuối cùng, cơ sở đào tạo quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển vào các ngành, chương trình đào tạo.

Cơ sở đào tạo công bố điểm trúng tuyển (và các điều kiện, tiêu chí phụ nếu có) vào các ngành, chương trình đào tạo theo các phương thức tuyển sinh; tổ chức cho thí sinh tra cứu kết quả xét tuyển của cá nhân trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo (hoặc của nhóm cơ sở đào tạo phối hợp xét tuyển)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục