Tỷ lệ sinh ở Italy giảm mạnh vì khủng hoảng kinh tế

Càng khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, người Italy càng "lười" đẻ, trong khi các gia đình có bố hoặc mẹ hoặc cả hai là người nước ngoài lại "chăm" đẻ hơn.
Tỷ lệ sinh ở Italy giảm mạnh vì khủng hoảng kinh tế ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Italysbestrome.com)

Càng khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, người Italy càng "lười" đẻ, trong khi các gia đình có bố hoặc mẹ hoặc cả hai là người nước ngoài lại "chăm" đẻ hơn.

Kết luận này được Hiệp hội quốc gia về đại diện và hỗ trợ nông nghiệp Italy (Coldiretti) công bố hôm 11/5, nhân "Ngày của Mẹ," dựa trên các số liệu tổng hợp từ Cơ quan thống kê nhà nước Italy (ISTAT) về tình hình sinh đẻ ở nước này tính cho đến năm 2012.

Phân tích của Coldiretti cho biết năm 2012, có 534.000 đứa trẻ được sinh ra ở Italy, ít hơn năm 2008 - năm mà cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu nổ ra 7,3%. Điều đáng chú ý là trong khi người Italy sinh ít hơn tỷ lệ trẻ sơ sinh tại các gia đình có thành phần một trong hai vợ chồng, hoặc cả hai là người nước ngoài lại chiếm 20%.

Coldiretti nhận định: "Từ năm 2000 trở đi, tỷ lệ sinh ở Italy tăng liên tục hàng năm. Tuy nhiên, kể từ năm 2008, khi cuộc khủng hoảng bắt đầu lan rộng, tình hình thay đổi nghiêm trọng khi tỷ lệ sinh giảm từng năm."

Coldiretti cũng chỉ ra rằng khủng hoảng kinh tế đã khiến sinh con trở thành một lựa chọn khó khăn cho không ít gia đình, đồng thời khiến cho tuổi trung bình của phụ nữ khi sinh nở muộn hơn, đạt tuổi 31,4.

"Điều này có thể dẫn đến việc thay đổi cấu trúc xã hội của dân số Italy," Coldiretti nhận xét.

Tình hình kinh tế không sáng sủa và triển vọng phục hồi u ám đã phủ một bóng đen lên xã hội Italy. Điều này cũng tác động lên cấu trúc gia đình của đất nước này và cũng gây tác động tiêu cực, khiến người Italy cảm thấy đẻ con là một gánh nặng. Theo Coldiretti, không ngạc nhiên khi cứ 3 người Italy thì 1 sống với bố mẹ mình, trong khi 42,3% thuê hoặc mua nhà ở cách nhà mẹ đẻ của mình chừng 30 phút đi lại.

Theo Coldiretti, không chỉ những người Italy tuổi từ 18 đến 29 sống theo xu hướng này (60,7% sống với mẹ và 26,4% sống gần nhà mẹ đẻ) mà cả những người tuổi từ 30 đến 45, thậm chí từ 45 đến 64.

Coldiretti kết luận: "Người mẹ luôn đóng vai trò trung tâm của cấu trúc xã hội đất nước, bắt đầu từ việc giữ vai trò chính trong cuộc sống gia đình. Cấu trúc gia đình Italy nói chung và các gia đình làm nông nghiệp nói riêng, với người mẹ là nhân vật chính, tưởng như đã thoái trào, trên thực tế nay vẫn tồn tại và có tác động lớn lao nhằm giúp các gia đình vượt qua những khó khăn cuộc khủng hoảng hiện tại"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục