Tỷ lệ trẻ em bỏ học giảm nhờ chương trình SEQAP

Nhờ sự hỗ trợ của Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP), tỷ lệ trẻ em bỏ học ở Bình Thuận giảm đáng kể.
Sau thời gian triển khai thực hiện tại Bình Thuận, Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong việc hỗ trợ dạy và học 2 buổi tại các trường tiểu học miền núi, vùng cao trên địa bàn tỉnh.

Chương trình SEQAP được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới, Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh với mục tiêu cải thiện chất lượng giáo dục tiểu học, góp phần nâng cao hiệu quả học tập của học sinh, tạo cơ hội học tập bình đẳng trong các nhóm đối tượng có điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau, tăng tỷ lệ hoàn thành cấp học. Bình Thuận là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai thực hiện chương trình này.

Sau 2 năm triển khai, chương trình đảm bảo chất lượng trường học mang lại những hiệu quả rõ rệt. Những ngôi trường cũ đã được trang bị cơ sở vật chất khang trang hơn, nhờ sự hỗ trợ của chương trình nên tỷ lệ trẻ em bỏ học do hoàn cảnh khó khăn đã giảm đáng kể.

Ông Nguyễn Ngọc Trang, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận) cho biết nhờ học 2 buổi/ngày và được ăn trưa ngay tại trường nên học sinh vùng khó khăn có thêm thời gian dành cho việc học, các em có điều kiện nắm vững kiến thức hơn, thay vì một buổi ở nhà chủ yếu rong chơi ngoài ruộng vườn... Hơn nữa, việc hỗ trợ bữa cơm trưa tại trường cũng đảm bảo giờ giấc học tập của các em, khắc phục được tình trạng học sinh đi học trễ giờ và đến trường đều đặn hơn.

Nhờ đó, chất lượng giáo dục ở các trường thực hiện SEQAP cũng ngày càng nâng cao. Tỷ lệ học sinh xếp loại yếu cuối năm học 2011-2012 là 2,85% giảm 2,13% so với năm học trước. Điều đáng mừng là tại 14 trường tiểu học có đông học sinh dân tộc thiểu số học tập, số lượng học sinh dân tộc thiểu số xếp loại yếu môn Tiếng Việt chỉ còn 109 em, giảm gần 4,6% so với năm học trước. Hiện toàn Bình Thuận đã có 40 trường tiểu học với khoảng 12.500 học sinh được thụ hưởng từ chương trình này.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trang, nhờ chương trình SEQAP, các trường tiểu học còn có điều kiện xây mới và mua sắm thêm cơ sở vật chất. Toàn tỉnh đã xây mới 39 phòng học, 20 nhà vệ sinh và 7 phòng đa năng, đồng thời tăng cường năng lực giảng dạy cho đội ngũ giáo viên, trợ cấp thêm cho giáo viên dạy thêm giờ; mua sắm dụng cụ dạy học; hợp đồng trợ giảng dạy tiếng dân tộc...

Đến nay, việc dạy và học ở hàng chục trường tiểu học vùng khó khăn của Bình Thuận được đảm bảo hơn, thiết thực nhất là việc hỗ trợ các khoản phí và tiền ăn trưa cho các em học sinh nghèo tại trường.

Năm học 2012-2013, Sở Giáo dục và đào tạo Bình Thuận tiếp tục triển khai thực hiện SEQAP tại 15 trường tiểu học, trong đó 7 trường thực hiện theo mô hình T35 (mỗi tuần có 35 tiết, có 5 ngày học 2 buổi/ngày) và 8 trường còn lại thực hiện mô hình T30 (mỗi tuần có 30 tiết, 2 ngày học 2 buổi/ngày). Các trường này được triển khai dạy học cả ngày ở tất cả các khối lớp và các điểm trường.

Hiện nay số trường tiểu học được triển khai Chương trình SEQAP quá ít (40/280 trường tiểu học trên địa bàn). Rất nhiều trường tập trung ở vùng sâu xa, miền núi và những nơi có học sinh thuộc diện gia đình khó khăn… chưa được triển khai mô hình dạy học 2 buổi/ngày. Theo kế hoạch đến năm 2015, tỉnh Bình Thuận phấn đấu sẽ có thêm 10 trường tiểu học trong toàn tỉnh được thụ hưởng chương trình SEQAP./.

Hồng Hiếu (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục