UB Pháp luật thẩm tra dự thảo Luật Tiếp công dân

Luật Tiếp công dân phải xây dựng cơ chế hữu hiệu tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị...
Ngày 15/3, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật Tiếp công dân.

Tiếp công dân là công tác quan trọng trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở Việt Nam.

Thông qua việc tiếp công dân, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức tiếp nhận được các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về tiếp công dân; các cơ quan, tổ chức đã triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác này. Chính vì vậy, công tác tiếp công dân đã thu được những kết quả nhất định. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; nhiều lãnh đạo đã trực tiếp tiếp công dân theo quy định, từng bước khắc phục tình trạng khoán trắng cho một số cơ quan chuyên môn; tổ chức đối thoại, chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp ngay từ nơi phát sinh...

Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác tiếp công dân của các cấp, các ngành và Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước còn có những hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc tiếp công dân còn thiếu thống nhất từ Trung ương đến địa phương như tên gọi, mô hình tổ chức, cơ cấu thành phần tại nơi tiếp công dân; có nơi còn biểu hiện tinh thần trách nhiệm, thái độ không đúng mức đối với người dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trong hoạt động tiếp công dân chưa phân định rõ việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo với kiến nghị, phản ánh...

Dự thảo Luật gồm 10 chương với 71 điều. Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật quy định việc tổ chức công tác tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, của công chức tiếp công dân; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Trụ sở tiếp công dân; quản lý công tác tiếp công dân; điều kiện bảo đảm hoạt động tiếp công dân; khen thưởng và xử lý vi phạm trong công tác tiếp công dân.

Thẩm tra dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật cho rằng Luật Tiếp công dân phải góp phần giải quyết những bất cập đang đặt ra trong thực tiễn về công tác tiếp công dân; làm rõ mục đích của công tác tiếp công dân; xây dựng cơ chế hữu hiệu tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đầy đủ, công khai và minh bạch.

Đồng thời, Luật đề cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Luật Tiếp công dân phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trụ sở tiếp công dân, người phụ trách Trụ sở tiếp công dân, công chức tiếp công dân; mối quan hệ giữa các Trụ sở tiếp công dân, giữa Trụ sở tiếp công dân với các cơ quan, tổ chức...

Về sự cần thiết ban hành Luật, về cơ bản, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Tiếp công dân. Việc xây dựng và ban hành Luật Tiếp công dân trên cơ sở kế thừa, phát triển các quy định về tiếp công dân tại Luật khiếu nại năm 2011 và luật hóa các quy định tại các Nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng về tiếp công dân còn phù hợp và đã được thực tiễn kiểm nghiệm.

Tuy nhiên, trong Thường trực Ủy ban cũng còn ý kiến băn khoăn về thời điểm ban hành Luật này. Thời gian qua, Quốc hội vừa mới thông qua một số văn bản pháp luật quy định về hoạt động tiếp công dân như Luật khiếu nại năm 2011, Luật tố cáo năm 2011...

Trong trường hợp Luật Tiếp công dân được ban hành thì tất cả các quy định liên quan nói trên sẽ bị bãi bỏ, thay thế khi thời gian thi hành trên thực tế chưa nhiều. Trong khi đó, dự thảo mới chỉ pháp điển hóa một phần các quy định hiện có về công tác tiếp công dân trong các văn bản pháp luật hiện nay.

Nhiều quy định trong dự thảo về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân mới dừng ở mức độ chung mà chưa có những thay đổi, cải tiến mang tính đột phá, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới một cách toàn diện về tổ chức và hoạt động tiếp công dân...

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, có ý kiến đề nghị cần làm rõ nội dung cơ bản của hoạt động tiếp công dân (như hình thức, trình tự, thủ tục tiếp dân). Bên cạnh đó, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật còn có điểm trùng lặp với các luật khác như Luật khiếu nại, Luật tố cáo khi cùng quy định về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, người tố cáo...

Các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về nhiều nội dung trong dự thảo Luật, về quyền và nghĩa vụ của công dân; quyền và nghĩa vụ của công chức tiếp công dân; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân; quản lý công tác tiếp công dân.../.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục