Theo cơ quan báo chí của Văn phòng Tổng thống Ukraine, ngày 14/2, Tổng thống nước này, ông Volodymyr Zelensky đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Canada Melanie Joly hiện đang ở thăm Ukraine để thảo luận hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng.
Tại cuộc gặp, ông Zelensky cảm ơn Canada vì đã ủng hộ và giúp đỡ Ukraine trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Nga, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của quyết định cung cấp xe tăng chiến đấu Leopard. Ông Zelensky cũng thông báo cho bà Joly về các nhu cầu ưu tiên hiện nay của quân đội Ukraine.
Ngoài ra, hai bên đã trao đổi quan điểm về Công thức hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine và bàn về quá trình tái thiết quốc gia này sau xung đột. Hai bên cũng thảo luận về triển vọng Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tháng trước, nhân chuyến thăm Kiev, Bộ trưởng Quốc phòng Canada thông báo sẽ tài trợ 200 xe chở nhân viên quân sự cho các lực lượng Ukraine. Đây là một phần trong gói hỗ trợ quân sự trị giá 500 triệu CAD (373 triệu USD) mà Thủ tướng Canada Justin Trudeau đưa ra hồi tháng 11/2022.
Hiện có 8 quốc gia cam kết cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraine, gồm Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Canada, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan và Bồ Đào Nha. Chính phủ Ukraine cũng đang kêu gọi các nước phương Tây cung cấp tên lửa tầm xa và máy bay.
Trong diễn biến liên quan, ngày 14/2, quân đội Mỹ thông báo đã trao các hợp đồng với tổng trị giá 522 triệu USD cho 2 công ty để đặt hàng sản xuất đạn pháo 155 mm viện trợ cho Ukraine, trong bối cảnh lo ngại kho dự trữ đạn pháo của Ukraine, được Mỹ và các đồng minh khác cung cấp, đang nhanh chóng cạn kiệt.
Trong tuyên bố, quân đội Mỹ cho biết việc bàn giao loại đạn pháo mới dự kiến bắt đầu vào tháng 3 năm nay. Hợp đồng được Sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine của Lầu Năm Góc tài trợ.
[Nga cảnh báo NATO ngày càng can thiệp sâu hơn vào xung đột ở Ukraine]
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết nước này đã ký hợp đồng với công ty sản xuất vũ khí Rheinmetall để tái khởi động việc sản xuất đạn cho pháo phòng không Gepard mà Berlin đã chuyển giao cho Kiev.
Về việc cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, Bộ trưởng Pistorius cho biết điều này chưa phải là ưu tiên hiện nay, nhưng vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak nhấn mạnh các cuộc đàm phán về việc cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine nhiều khả năng sẽ mang lại kết quả, song vẫn cần gia tăng sức ép đối với các đồng minh. Ba Lan hiện có 48 máy bay F-16.
Nhu cầu của Ukraine về vũ khí đạn dược đã vượt quá khả năng cung ứng của các nước trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cuối năm ngoái, báo Washington Post (Mỹ) cho rằng các nước phương Tây sẽ phải mất tới 15 năm để bổ sung kho vũ khí với tốc độ sản xuất hiện tại.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh xung đột tại Ukraine đang tiêu tốn lượng lớn đạn, gây sức ép đối với ngành công nghiệp quốc phòng của NATO. Do đó, ông Stoltenberg cho rằng các nước thành viên NATO cần đẩy mạnh năng lực sản xuất./.