Ngày 14/2, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov cho rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang ngày càng thể hiện rõ sự thù địch đối với Nga và can thiệp nhiều hơn vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Phát biểu với báo giới, ông Peskov khẳng định "tất nhiên, điều này đòi hỏi những biện pháp phòng ngừa nhất định."
Nga cho rằng việc các nước NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine đang làm cuộc xung đột kéo dài và làm tăng nguy cơ leo thang hơn nữa. Điện Kremlin cũng đã nhiều lần cảnh báo tình hình leo thang có thể dẫn đến sự can thiệp trực tiếp của NATO và Mỹ vào cuộc xung đột hiện nay.
Cùng ngày 14/2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng các nước phương Tây cần thúc đẩy việc cung cấp đạn dược cho Ukraine.
Phát biểu với báo giới trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Brussels (Bỉ) diễn ra trong 2 ngày 14-15/2, ông Stoltenberg nhấn mạnh ngoài cung cấp vũ khí mới cho Ukraine thì các nước vẫn cần duy trì công tác hỗ trợ đối với những loại vũ khí đã chuyển giao.
[Nga ra điều kiện nối lại các vòng đàm phán với Ukraine]
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cùng ngày tuyên bố Ukraine cần viện trợ quân sự khẩn cấp và tái khẳng định Mỹ cùng các đồng minh NATO luôn hỗ trợ Ukraine trong dài hạn.
Theo Bộ trưởng Austin, các nước phương Tây và đồng minh đã cung cấp khoảng 50 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi xảy ra xung đột tại quốc gia Đông Âu này hồi cuối tháng 2 năm ngoái.
Cũng theo ông Austin, hiện có 8 quốc gia sẽ cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraine, gồm Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Canada, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan và Bồ Đào Nha.
Hiện Chính phủ Ukraine đang kêu gọi các nước phương Tây cung cấp tên lửa tầm xa và máy bay. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố mặc dù đang được thảo luận song hoạt động chuyển giao máy bay quân sự cho Ukraine hiện không phải vấn đề cấp bách trong chương trình nghị sự của liên minh quân sự này./.