UNESCO kêu gọi cải thiện an toàn cho các nhà báo

Đại diện hơn 90 nước và tổ chức quốc tế thông qua Tuyên bố Carthage nhấn mạnh tự do báo chí, kêu gọi đảm bảo an toàn cho nhà báo.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, kết thúc Hội nghị báo chí quốc tế tại thành phố Carthage, Tunisia, nhân Ngày Tự do báo chí thế giới, đại diện hơn 90 nước cùng các tổ chức quốc tế đã thông qua Tuyên bố Carthage nhấn mạnh nhu cầu tự do báo chí và kêu gọi đảm bảo an toàn cho nhà báo trong khi thi hành nhiệm vụ.

Tuyên bố Carthage cũng kêu gọi các nước trên thế giới chấm dứt tình trạng coi nhẹ hoặc không trừng phạt đối với tội phạm chống nhà báo.

Theo Tuyên bố, nhu cầu củng cố văn hóa, luật pháp và tập quán báo chí để bảo vệ tự do báo chí và thúc đẩy sự đa dạng của các phương tiện báo chí truyền thông, tạo ra môi trường an toàn và tự do cho nhà báo và những người hoạt động truyền thông thông qua báo chí truyền thông hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động của Liên hợp quốc về sự an toàn của nhà báo và trừng phạt tội phạm chống nhà báo trong khi tác nghiệp.

Tuyên bố cũng yêu cầu Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tích cực thúc đẩy thực hiện Kế hoạch hành động này, đồng thời yêu cầu các nước thành viên Liên hợp quốc báo cáo về tiến trình điều tra các vụ bạo lực chống nhà báo.

Tại Hội nghị Carthage, Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova đã ca ngợi vai trò của báo chí và các phương tiện thông tin truyền thông trong quá trình chuyển đổi của xã hội.

Hội nghị cũng nhấn mạnh đến các vấn đề đang nổi lên của báo chí truyền thông như khuôn khổ pháp lý, quyền tiếp cận thông tin và công nghệ, đào tạo, các tiêu chuẩn đạo đức và an toàn của các nhà báo.

Hội nghị nêu bật tầm quan trọng của nhà báo, các chuyên gia truyền thông, đặc biệt là vai trò nhà báo-công dân trong việc thực hiện đạo đức nhà báo, nhân tố then chốt để loại bỏ thông tin sai sự thật, thúc đẩy quyền con người, chống tham nhũng..../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục