Ứng dụng công nghệ cao vào Luật Căn cước

Ứng dụng công nghệ cao vào Luật Căn cước công dân (dự thảo)

Dự án Luật này nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xung quanh việc hướng đến hình thành mô hình Thẻ căn cước công dân theo công nghệ tiên tiến.

Sáng 6/5, tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 14, Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự án Luật Căn cước công dân.

Đây là dự án Luật nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xung quanh việc hướng đến hình thành mô hình Thẻ căn cước công dân theo công nghệ tiên tiến có khả năng tích hợp nhiều thông tin cần thiết để góp phần đơn giản hóa giấy tờ cho công dân, từng bước thực hiện Chính phủ điện tử.

Tại Phiên họp thứ 27 vừa qua, cho ý kiến về dự án Luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân liên quan đến căn cước công dân.

Tiếp thu những ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bộ, ngành hữu quan, Dự thảo lần này bổ sung quy định cơ sở dữ liệu căn cước công dân là một bộ phận trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm tàng thư căn cước công dân và dữ liệu điện tử về căn cước công dân, tập hợp thông tin tài liệu về căn cước công dân theo hệ thống của tất cả công dân Việt Nam, được xây dựng cập nhật, duy trì phục vụ công tác quản lý Nhà nước theo yêu cầu giao dịch của cơ quan, tổ chức, công dân.

Dự thảo cũng bổ sung quy định cụ thể về xây dựng, trao đổi, khai thác, sử dụng và quản lý các thông tin, tài liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đối tượng, phạm vi khai thác và sử dụng thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đặc biệt, dự thảo cũng bổ sung quy định cụ thể về phương thức xác lập số định danh cá nhân, thẩm quyền cấp số định danh cá nhân; việc cấp số định danh cá nhân đối với những người đã có chứng minh nhân dân; giá trị sử dụng của số định danh cá nhân...

Góp ý về dự thảo Luật, Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét điều chỉnh mở rộng phạm vi đối với người không quốc tịch sinh sống tại Việt Nam, vì quyền tự do đi lại, cư trú và tham gia các giao dịch khác là một trong những quyền con người, quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp quy định.

Có ý kiến cho rằng, dự thảo vẫn xác định cơ sở dữ liệu về căn cước công dân là dữ liệu chuyên ngành, được xây dựng độc lập, tuy có sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng vẫn có một số thông tin công dân phải bổ sung là chưa đảm bảo việc khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chưa đáp ứng được yêu cầu đơn giản hoá thủ tục hành chính.

Do đó, các ý kiến tại buổi làm việc đề nghị dự thảo cần tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng thu thập, cập nhật đầy đủ các thông tin về công dân để đáp ứng mọi yêu cầu quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực có liên quan.

Ủy ban Quốc phòng An ninh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, phân cấp thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho Công an cấp huyện vì hiện nay cũng như trong thời gian tới, nhu cầu cấp thẻ Căn cước công dân ngày càng tăng cao, cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý căn cước, quản lý dân cư thì giao Công an cấp huyện thẩm quyền cấp thẻ Căn cước công dân là phù hợp, qua đó, góp phần rút ngắn thời gian cấp thẻ Căn cước công dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục