Ứng dụng thuyết minh tự động về lịch sử Phú Thọ bằng bốn thứ tiếng

​Người dân, du khách đến tham quan bảo tàng chỉ cần quét mã QR, tải ứng dụng 63Stravel - Khám phá Việt Nam là có thể tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của các tổ hợp trưng bày và những hiện vật tiêu biểu.
Ứng dụng thuyết minh tự động về lịch sử Phú Thọ bằng bốn thứ tiếng ảnh 1Bảo tàng Hùng Vương. (Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ)

Nằm trong chuỗi hoạt động dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023, ngày 21/4, tại bảo tàng Hùng Vương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ ra mắt ứng dụng thuyết minh tự động phục vụ trưng bày, giới thiệu tại bảo tàng Hùng Vương.

Người dân và du khách đến tham quan bảo tàng chỉ cần quét mã QR, tải ứng dụng 63Stravel - Khám phá Việt Nam là có thể tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của các tổ hợp trưng bày và những hiện vật tiêu biểu tại đây.

Ứng dụng được khai thác với bốn ngôn ngữ là tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Hàn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế khám phá điểm đến.

Đặc biệt, kể cả du khách chưa có điều kiện đến tham quan bảo tàng cũng có thể xem ảnh, hiện vật, đọc nội dung giới thiệu và nghe thuyết minh tự động thông qua ứng dụng này.

Bảo tàng Hùng Vương là đơn vị tiên phong ứng dụng phần mềm thuyết minh tự động, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đây cũng là xu hướng hoạt động của các bảo tàng hiện đại.

Theo ông Ngô Đức Quý, Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương, hiện nay bảo tàng đã mã hóa được 30 tổ hợp trưng bày tiêu biểu của tỉnh, trước mắt là ưu tiên những tổ hợp gắn liền với hai di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh là hát Xoan Phú Thọ và tín ngường thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ.

Thời gian tới, bảo tàng phối hợp với các đơn vị liên quan để tiếp tục mã hóa các hiện vật và tổ hợp hiện vật còn lại, phấn đấu đến dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 sẽ đạt 100%.

[Giỗ Tổ Hùng Vương 2023 với nhiều hoạt động đậm nét văn hóa đất Tổ]

Bên cạnh đó, bảo tàng cũng chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin như máy tính, đường truyền mạng wifi tốc độ cao, máy in tem QR để du khách dễ dàng tải ứng dụng.

Ngoài ra, du khách có thể tìm hiểu lịch sử văn hóa của các tổ hợp trưng bày, những hiện vật tiêu biểu tại bảo tàng Hùng Vương.

Dịp này, bảo tàng Hùng Vương ra mắt mô hình “Giờ học lịch sử” giúp các em học tập lịch sử, tìm hiểu các nội dung như di sản văn hóa vùng đất Tổ, phong trào Cần Vương, những chiến thắng lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp trên đất Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và làm việc tại tỉnh, Hoàng Sa-Trường Sa biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc… qua đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với di sản văn hóa của dân tộc.

Sau khi học tiết lịch sử về hát Xoan Phú Thọ, em Vũ Nguyễn Thảo Ngân, học sinh lớp 10D, trường phổ thông trung học Công nghiệp Việt Trì phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, chúng em đã được học và tìm hiểu về Hát Xoan. Tuy nhiên, lần này được học giờ lịch sử với việc tìm hiểu sâu hơn về nghệ thuật Hát Xoan ngay tại không gian của ảo tàng Hùng Vương khiến chúng em rất hào hứng.

Đặc biệt, trong giờ học còn được xem các nghệ nhân hát Xoan biểu diễn và giới thiệu sâu hơn về lịch sử hình thành của hát Xoan, khiến chúng em rất tự hào và mong muốn quảng bá nghệ thuật đặc sắc này với nhiều bạn bè trong và ngoài nước.”

Cô Lê Thị Việt An, Phó hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Công nghiệp Việt Trì, cho biết việc tổ chức giờ học lịch sử ngay tại Bảo tàng Hùng Vương là minh chứng rõ nét nhất cho mô hình “trường học gắn với di sản,” là giờ học sinh động của chương trình giáo dục địa phương của tỉnh Phú Thọ theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Những giờ học này đã tạo sự tương tác trực tiếp rất lớn giữa học sinh với giáo viên, cán bộ văn hóa, các nghệ nhân, đem đến sự hào hứng, thích thú đối với những người tham gia, góp phần bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng kiến thức đã học vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa quý báu.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023 sẽ có nhiều hoạt động giới thiệu và quảng bá đậm nét các di sản văn hóa của tỉnh Phú Thọ, đặc biệt là hai Di sản Văn hóa đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh là "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và "Hát Xoan Phú Thọ” để người dân hiểu thêm về các giá trị văn hóa độc đáo của vùng đất Tổ.

Đặc biệt, trong những ngày diễn ra lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và tuần văn hóa-du lịch đất Tổ năm 2023, tỉnh sẽ tổ chức nhiều nghi lễ truyền thống như lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân; lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ; lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh; lễ dâng hương của các huyện, thành, thị tại Đền Hùng; lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức.

Tại khu di tích lịch sử Đền Hùng và thành phố Việt Trì, trong các ngày 21-29/4 (2-10/3 âm lịch), các hoạt động thể thao, văn hóa sẽ liên tục diễn ra như khai mạc “Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa-Du lịch Đất Tổ năm 2023” và “Tuần lễ Di sản Văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh” tại quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì; Hội thảo quốc tế “Diễn đàn Du lịch, văn hóa, di sản và sự phát triển bền vững Việt Nam.”

Đến lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, du khách sẽ được xem các giải bơi chải và trình diễn ván chèo đứng tại hồ Công viên Văn Lang; giải bóng đá cúp Hùng Vương tại sân vận động Việt Trì; giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh cúp Hùng Vương tại thành phố Việt Trì./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục