Ủng hộ cuộc đấu tranh vì các nạn nhân da cam

Nhiều nghị sỹ Mỹ, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ sự ủng hộ rõ ràng với cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân da cam Việt Nam.
Tổ chức vận động cứu trợ và trách nhiệm về chất độc da cam Việt Nam (VAORRC) của Mỹ và Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) sẽ tích cực làm việc với Quốc hội và Chính phủ để giành được sự giúp đỡ cho nạn nhân da cam ở Việt Nam và cũng như thanh lọc độc tố trong vùng đất ở những “điểm nóng” tại Việt Nam.

Nội dung này được ghi tại Tuyên bố chung giữa VAVA và VAORRC trong khuôn khổ chuyến công tác tại Mỹ của đoàn đại biểu cấp cao VAVA do Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội dẫn đầu.

Tại cuộc gặp mặt báo chí, ngày 9/12, đại diện VAVA và VAORRC cho biết họ cùng chung nhận thức rằng, Công ty Dow, Monsanto và các công ty khác đã sản xuất ra chất độc da cam chưa thể hiện trách nhiệm với nạn nhân da cam Việt Nam cũng như trả chưa thỏa đáng cho các nạn nhân da cam ở Mỹ.

Vì vậy, hai bên sẽ hợp tác, thể hiện trách nhiệm chung đối với nạn nhân chất độc da cam. Hai bên cũng sẽ tiếp tục hợp tác, đẩy mạnh cuộc vận động gây quỹ cho Quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVAF).

Theo lời Chủ tịch VAVA, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, chuyến công tác đến Mỹ từ ngày 21/11-5/12 của đoàn VAVA với mục đích cảm ơn các tổ chức, bạn bè Mỹ đã ủng hộ những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Chuyến đi cũng nhằm vận động nhân dân Mỹ ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân da cam Việt Nam; yêu cầu chính quyền Mỹ phải quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe con người trong quá trình giải quyết hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam.

Cũng theo ông Chủ tịch VAVA, lần đầu tiên, các nghị sỹ Mỹ, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức tiếp đại diện của VAVA và nhiều người đã bày tỏ thái độ ủng hộ rõ ràng với cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân da cam Việt Nam.

Một quan chức Bộ Ngoại giao cũng cho biết vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam là vấn đề được Bộ Ngoại giao Mỹ quan tâm.

Đây là vấn đề nhân đạo nên ngoài hai Chính phủ còn có sự tham gia giải quyết của các tổ chức phi chính phủ (NGO).

Bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Mỹ đã hai lần đến Việt Nam trong năm 2010 cũng là người rất quan tâm đến vấn đề nạn nhân da cam Việt Nam.

Một quan chức khác trong Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết dự án tẩy độc ở sân bay Đà Nẵng hy vọng sẽ được triển khai trong mùa Hè tới. Dự kiến có khoản ngân sách 17 triệu USD chi cho dự án, hiện đang yêu cầu Quốc hội Mỹ chi nhiều hơn.

Tuy đang có khó khăn về vấn đề ngân sách nhưng nước Mỹ vẫn có thể tăng viện trợ cho Việt Nam. Cụ thể, trong năm tài khóa tới, tổng viện trợ cho Việt Nam có thể lên đến 70 triệu USD, trong đó có một phần dành cho giải quyết hậu quả chất độc da cam./.

Công Hải (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục