Ứng phó với bão số 5

Các địa phương sẵn sàng ứng phó với bão số 5

Các địa phương có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 5 đã và đang khẩn trương hoàn thiện các phương án ứng phó.
Để đối phó với bão số 5 được dự báo là rất mạnh, nhiều địa phương, đặc biệt là những nơi có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão đã và đang khẩn trương hoàn thiện các phương án ứng phó.

Với dự kiến bão số 5 sẽ ảnh hưởng trực tiếp, tỉnh Thái Bình đã yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão các cấp, các ngành, đặc biệt là hai huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải triển khai các biện pháp đối phó.

Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng các huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thụy đang tập trung kêu gọi toàn bộ các tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào vùng an toàn trước 16 giờ ngày 29/9; đồng thời cấm tàu thuyền ra khơi ngay từ chiều 28/9, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên để xử lý kịp thời các sự cố.

Tỉnh chỉ đạo hai huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy triển khai và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ an toàn cho ngư dân làm ăn, sinh sống ngoài bãi sông, ven biển, khu du lịch và khu vực nuôi trồng thủy hải sản.

Đối với những đoạn đê kè xung yếu, cao trình thấp, các địa phương khẩn trương huy động lực lượng, vật tư, phương tiện xử lý ngay những đoạn đê, kè bị sạt lở, hư hỏng trong đợt mưa lớn vừa qua.

Tỉnh cũng yêu cầu ngành nông nghiệp chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch lúa mùa đã chín không để bão vào gây thiệt hại cho lúa, đồng thời đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, triệt để tiêu nước trên hệ thống các sông trục, đề phòng bão vào mưa lớn gây ngập úng.

Các lực lượng công an, quân đội, xung kích các địa phương trong tỉnh duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng tỉnh, đến 17 giờ ngày 28/9, tỉnh đã liên lạc được toàn bộ 1.323 tàu thuyền đang hoạt động trong tỉnh, trong đó có 1.117 phương tiện với 2.686 lao động đã về neo đậu tại các bến, 176 phương tiện với 508 lao động hoạt động ven biển Thái Bình, chỉ còn 28 phương tiện đánh bắt xa bờ với 203 lao động đang hoạt động trên biển hiện đang trên đường về.

Bão vào đúng thời điểm lúa mùa ở các địa phương trong tỉnh đang thu hoạch, nếu mưa to, gió lớn sẽ gây thiệt hại lớn đến năng suất và sản lượng.

Tại tỉnh Quảng Ninh, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh, ông Phạm Đình Hòa, cho biết trước khả năng bão số 5 có thể ảnh hưởng trực tiếp, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có công điện gửi các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh tập trung tinh thần và chuẩn bị đón bão, trên tinh thần "4 tại chỗ": Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ để kịp thời ứng phó khi cơn bão đổ bộ.

Hơn 13.000 tàu, bè của tỉnh đang hoạt động trên biển được thường xuyên thông báo để các chủ phương tiện tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết hướng di chuyển của bão và chủ động phòng tránh, tìm vị trí neo đậu an toàn.

Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến sự an toàn trong mưa bão đối với tàu chở khách du lịch tham quan tại Vịnh Hạ Long.

Ngoài ra, Quảng Ninh thực hiện các phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản trên các khu nuôi trồng thủy hải sản, ở những vị trí gây ngập úng, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, khu mỏ và các khu vực xung yếu như huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn.

Theo sát diễn biến của cơn bão số 5 (bão NESAT), Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái đã có Công điện số 09/CĐ-UBND yêu cầu thành viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố chủ động phòng chống bão.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái yêu cầu các giám đốc các ngành thành viên Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chỉ đạo nông dân khẩn trương thu hoạch nhanh gọn lúa vụ mùa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng.”

Bên cạnh đó, chuẩn bị các điều kiện cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ” đề phòng mưa lũ gây ra; kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư đang sống ở những vùng trũng thấp, ven sông suối, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để có phương án di dời; bố trí lực lượng cảnh giới tại các bến đò, đường tràn, những đoạn đường giao thông dễ bị ngập để hướng dẫn giao thông, cấm người và phương tiện qua lại những khu vực trên khi có dòng chảy xiết; nghiêm cấm hoạt động đối với các phương tiện đường thủy không đảm bảo an toàn hoặc không có đủ các thiết bị cứu sinh; cấm không cho người vớt củi, lội qua, đi bắt cá… trên các sông, suối khi đang có lũ.

Kiểm tra hệ thống an toàn hồ đập và các công trình đang thi công, thực hiện nghiêm các quy trình vận hành, đặc biệt những công trình nguy cơ có thể xảy ra sự cố phải khẩn trương thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du.

Tỉnh duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo quy định.

Cơ quan thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh tổ chức trực ban nghiêm túc theo quy định và thường xuyên báo cáo tình hình về Ủy ban nhân dân tỉnh để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

Đến nay, 9/9 huyện, thị thành phố trực thuộc tỉnh Yên Bái cũng đã có công điện gửi ủy ban nhân dân, các đơn vị trực thuộc, đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm tra tình hình và theo dõi diễn biến của bão để đối phó có hiệu quả.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục