Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết trong năm 2021, mỗi tháng cơ quan này có thể vận chuyển tới 850 tấn hàng hóa - bao gồm vắcxin ngừa COVID-19 và trang thiết bị bảo quản đi kèm - tới 82 nước có thu nhập thấp và trung bình thấp, nếu sẵn có một lượng vắcxin như vậy.
Thông báo trên được đưa ra trong bản đánh giá mới của UNICEF, công bố ngày 18/12. Đánh giá là một phần trong quy trình mua và vận chuyển vaccine COVID-19 tới các nước nghèo theo Cơ chế Tiếp cận vắcxin toàn cầu COVAX - một sáng kiến do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Toàn cầu về vắcxin (Gavi), Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng phòng chống dịch (CEPI) khởi xướng nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vắcxin phòng bệnh COVID-19.
Thông cáo báo chí, Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore khẳng định đây là một khối lượng công việc khổng lồ và mang tính lịch sử, nhưng tổ chức này sẵn sàng đảm nhận.
Đánh giá của UNICEF đã xem xét năng lực vận chuyển bằng đường hàng không và đường bộ để hiểu rõ hơn các thách thức, khó khăn khi vận chuyển vắcxin trong năm 2021.
[COVAX sẽ phân phối vắcxin COVID-19 cho các nước nghèo từ đầu năm 2021]
Kết quả cho thấy các hãng hàng không thương mại có khả năng vận chuyển vắcxin đến tất cả 92 nước có thu nhập thấp và trung bình thấp trong số 190 nền kinh tế tham gia COVAX. Chi phí ước tính cho công việc này là khoảng 70 triệu USD.
So sánh khối lượng hàng liên quan tới vận chuyển vắcxin nói trên với các tuyến đường chở hàng và thương mại trên toàn cầu, UNICEF cũng thấy rằng năng lực của ngành vận tải hàng không hiện nay có thể đáp ứng được nhu cầu về vắcxin của khoảng 20% dân số ở phần lớn 92 nước nói trên.
Dự kiến vắcxin COVID-19 sẽ được ưu tiên vận chuyển trên các chuyến bay thương mại hiện có và các chuyến bay vận tải cũng như huy động một số phương tiện vận tải khác tới các nước nhỏ hoặc gặp khó khăn trong việc tiếp cận.
UNICEF đang làm việc với các hãng hàng không và ngành logistics để được ưu tiên vận chuyển vắcxin đi khắp thế giới.
Vấn đề tài chính cũng rất quan trọng. UNICEF kêu gọi các nước quyên góp 410 triệu USD để hỗ trợ chi phí vận chuyển vắcxin, thuốc điều trị và các công cụ chẩn đoán trong năm 2021.
Ngoài ra, UNICEF ước tính cần 133 triệu USD để đảm bảo các vấn đề về hậu cần liên quan đến bảo quản vắcxin tại 92 nước nghèo nhất thế giới.
Theo thông tin mới nhất, COVAS đã tiếp cận được gần 2 tỷ liều vắcxin, cao gấp đôi so với khả năng cung ứng của chương trình này, với lô hàng đầu tiên dự kiến được phân phối trong quý 1/2021.
COVAX đặt mục tiêu phân phối 1,3 tỷ liều vắcxin đã được phê chuẩn cho 92 nền kinh tế có mức thu nhập thấp và trung bình vào năm 2021. Toàn bộ 190 nền kinh tế đã đồng ý tham gia chương trình này sẽ tiếp cận được vắcxin trong 6 tháng đầu năm 2021, với lô hàng đầu tiên bắt đầu được phân phối trong quý 1/2021.
Điều này phụ thuộc vào việc phê chuẩn và khả năng sẵn sàng phân phối vắcxin của các nước./.