Báo cáo mới nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO) công bố mới đây cho biết các lệnh hạn chế đi lại xuyên biên giới để phòng dịch COVID-19 trong năm 2020 đã khiến lĩnh vực du lịch quốc tế thiệt hại khoảng 1.300 tỷ USD.
Theo báo cáo, lượng khách quốc tế trong năm ngoái đã giảm một tỷ lượt, tương đương 74% so với năm 2019. Mức lao dốc trên khiến thiệt hại tổng thể do đại dịch gây ra cho ngành du lịch lớn hơn 11 lần so với năm 2009, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
UNWTO cho biết do ảnh hưởng kinh tế vì COVID-19, 100 đến 120 triệu lao động trong ngành đã có nguy cơ mất việc làm, nhiều người trong số họ đến thuộc các nhà điều hành doanh nghiệp du lịch quy mô vừa và nhỏ.
Theo khu vực, châu Âu chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất về số lượng tuyệt đối, với lượng khách nước ngoài giảm 500 triệu lượt (hay 70%) so với năm 2019.
[COVID-19 biến các trung tâm du lịch thế giới thành "thành phố ma"]
Tính theo tỷ lệ phần trăm, những quốc gia ở châu Á và Thái Bình Dương có mức giảm mạnh nhất là 84%, tương đương 300 triệu lượt. Theo sau là Trung Đông và châu Phi với mức giảm cùng là 75%, còn Bắc và Nam Mỹ giảm 69%.
Đối với năm 2021, một cuộc khảo sát của UNWTO cho thấy 45% chuyên gia được hỏi dự báo tình hình sẽ khả quan hơn, trong khi 30% dự đoán tình hình xấu đi. 25% còn lại cho rằng tình hình sẽ có tương tự như vào năm 2020.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy 43% chuyên gia cho rằng ngành du lịch sẽ phục hồi trở lại mức trước đại dịch vào năm 2023, còn 41% cho rằng điều đó chỉ xảy ra vào năm 2024 hoặc thậm chí muộn hơn.
UNWTO cho biết họ hy vọng việc triển khai vắcxin ngừa COVID-19 sẽ giúp phục hồi tâm lý người tiêu dùng và giảm bớt các hạn chế đi lại. Từ đó đưa việc du lịch trở lại tương đối bình thường, dù với tốc độ chậm trong năm 2021.
Tuy nhiên, người đứng đầu UNWTO, ông Zurab Pololikashvili, cho biết tổ chức này vẫn nhận thức được rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 vẫn chưa kết thúc.
Ông nhấn mạnh việc điều phối các biện pháp giảm thiểu rủi ro liên quan đến hoạt động du lịch, bao gồm xét nghiệm, truy vết và chứng nhận tiêm chủng, là những nền tảng thiết yếu để thúc đẩy du lịch an toàn trong thời kỳ đại dịch. Chúng cũng giúp chuẩn bị cho sự phục hồi của ngành du lịch khi điều kiện cho phép./.