USAID chia sẻ giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam tại 8 tỉnh

Giai đoạn 2021-2026, dự án hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại 8 tỉnh bị phun rải chất da cam được USAID viện trợ không hoàn lại khoảng 65 triệu USD.
USAID chia sẻ giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam tại 8 tỉnh ảnh 1Gia đình anh Phạm Văn Bưởi và chị Nguyễn Thị Viễn, xã Mông Thọ A, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang có 3 con bị nhiễm chất độc da cam/dioxin (2016). Ảnh minh họa. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày 19/2, tại Hà Nội, Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (Binh chủng Hóa học) tổ chức hội thảo và triển lãm ảnh năm 2022 với chủ đề: “Đồng hành - Chia sẻ.”

Tham dự chương trình có lãnh đạo, đại biểu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam; đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đến từ 8 tỉnh triển khai dự án.

Là hoạt động thuộc dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” được thực hiện trong thời gian từ năm 2021-2026 tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, chương trình thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức trong nước và quốc tế đối với công tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh tại Việt Nam.

Dự án được thực hiện bằng nguồn vốn do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) viện trợ không hoàn lại khoảng 65 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam là 75 tỷ đồng.

Cơ quan chủ quản dự án là Bộ Quốc phòng; chủ dự án là Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET).

[Hội những người Nhật Bản yêu VN tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam]

Dự án hướng tới nhiều mục tiêu cụ thể, gồm mở rộng các dịch vụ hỗ trợ y tế, phục hồi chức năng, cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của người khuyết tật; mở rộng dịch vụ xã hội, tăng cường hỗ trợ hòa nhập xã hội và triển khai hỗ trợ trực tiếp giúp tăng cường chất lượng sống của người khuyết tật; cải thiện chính sách, thái độ công chúng, giảm thiểu các rào cản, đảm bảo hòa nhập xã hội của người khuyết tật; tăng năng lực quản lý, thực hiện hoạt động hỗ trợ người khuyết tật ở các cấp.

Tính đến hết tháng 11/2022, dự án đã triển khai các hoạt động hỗ trợ trên địa bàn 8 tỉnh với gần 12.000 người khuyết tật, nạn nhân da cam/dioxin được khám sàng lọc; khoảng 5.200 người được hỗ trợ: khoảng 3.500 người được nhận can thiệp phục hồi chức năng; gần 6.000 người được nhận dịch vụ chăm sóc; khoảng 1.000 người khuyết tật, nạn nhân da cam/dioxin được nhận hỗ trợ về sống độc lập.

Cùng với đó, 10 cơ sở phục hồi chức năng được hỗ trợ định hướng đa chuyên ngành; 2.500 người cung cấp dịch vụ và 370 cán bộ phục hồi chức năng được đào tạo; khoảng 600 người được tham gia đào tạo phòng chống bạo lực giới. Số lượng người khuyết tật, nạn nhân da cam/dioxin tham gia vào các hoạt động của mạng lưới hỗ trợ người khuyết tật khoảng 220 người.

Tại chương trình, Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học, nhấn mạnh chiến tranh đã lùi xa, song hàng triệu người dân Việt Nam và những thế hệ thứ ba, thứ tư mặc dù được sinh ra trong hòa bình, song vẫn hằng ngày phải mang trong mình di họa của cuộc chiến ấy với những nỗi đau do chất độc da cam/dioxin mang lại.

Khẳng định tầm quan trọng của các hoạt động gìn giữ hòa bình, Thiếu tướng Hà Văn Cử cho rằng thảm họa da cam đã làm cho hàng triệu trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật. Nhiều phụ nữ không có được thiên chức làm vợ, làm mẹ. Nhiều người khác đang chết dần, chết mòn, từng giờ, từng ngày bị những căn bệnh quái ác liên quan đến chất độc da cam/dioxin đeo bám.

Đặc biệt, hàng trăm nghìn nạn nhân còn phải sống trong cảnh đói nghèo. Mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều éo le, khó khăn về kinh tế, đau đớn, day dứt về tinh thần, bị bệnh tật giày vò..., hàng ngày, hàng giờ vật vã với những cơn đau, chưa một ngày được hưởng hạnh phúc đúng nghĩa.

Hiện tại, đời sống vật chất, tinh thần của các nạn nhân còn rất khó khăn, thiếu thốn. Các nạn nhân là người thiệt thòi, yếu thế trong xã hội, không có khả năng lao động, sản xuất, không có thu nhập, mức phí nuôi dưỡng, chữa bệnh lớn, hầu hết vượt quá khả năng kinh tế của các gia đình.

Theo Tư lệnh Binh chủng Hóa học, đây là cơ hội để dự án nói riêng và đông đảo người dân nói chung có thể lắng nghe những ý kiến, giải pháp thiết thực để hỗ trợ nâng cao chất lượng sống của nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn 8 tỉnh thuộc dự án nói riêng và nạn nhân chất độc da cam trên toàn đất nước Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận nhiều nội dung liên quan, trong đó có việc ưu tiên hỗ trợ thực thi các chính sách dành cho người khuyết tật; nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình thực thi chính sách về tiếp cận dành cho người khuyết tật; năng lực huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực của các tổ chức dành cho người khuyết tật hoặc hướng tới người khuyết tật; nguồn lực của dự án dự kiến phân bổ cho các hoạt động mục tiêu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục