Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Quyết tâm cao nhất gỡ “thẻ vàng" IUU

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nếu không cấu trúc lại ngành thủy sản, đẩy mạnh nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, câu chuyện tranh chấp về tài nguyên và ngư dân sẽ khó có thể giải quyết triệt để.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Quyết tâm cao nhất gỡ “thẻ vàng" IUU ảnh 1Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 15/8, nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn các vấn đề về hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản.

Đặt câu hỏi về giải pháp quản lý tàu cá thống nhất theo yêu cầu về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Đến nay đã gần 6 năm, nước ta vẫn chưa gỡ được thẻ vàng. Dự kiến, EC sẽ tiến hành đánh giá lần 4 trong tháng 10 tới và Việt Nam đặt mục tiêu gỡ "thẻ vàng" trong lần đánh giá này.

“Bộ trưởng cho biết 5 giải pháp Bộ đề ra đã đồng bộ, đầy đủ và triệt để chưa? Việt Nam có thể đạt mục tiêu gỡ 'thẻ vàng' IUU trong lần đánh giá thứ 4 của EC vào tháng 10/2023 tới không?,” đại biểu Trần Thị Hồng Thanh chất vấn.

Cũng vấn đề này, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) nêu câu hỏi với Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Giải pháp nào để quản lý tàu cá thống nhất theo yêu cầu về khai thác thủy sản IUU?

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển là mục tiêu cuối cùng. Nếu gỡ thẻ vàng nhưng tính bền vững không được đảm bảo sẽ bị áp dụng thẻ vàng khác. 

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, so sánh với Philippines hoặc Thái Lan, cấu trúc ngành hàng của các quốc gia này bền chặt hơn Việt Nam, từ ngư dân tới doanh nghiệp được xây dựng hệ sinh thái ngành hàng.

Các quốc gia này sử dụng các biện pháp rất mạnh, như đánh đắm tàu vi phạm quy định...; trong khi đó ở Việt Nam, gần 60% vi phạm ở các địa phương vẫn chưa được xử lý.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ chuyển danh sách này tới Thủ tướng Chính phủ. Đã đến lúc phải xử lý nghiêm nếu không sẽ không đủ sức răn đe, không có sự thay đổi,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng nhấn mạnh chỉ cần một chiếc tàu vi phạm là không gỡ “thẻ vàng” IUU.

Nếu không cấu trúc lại ngành thủy sản, không đẩy mạnh nuôi trồng, không đẩy mạnh bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là trong các khu bảo tồn thì “cứ mãi mãi câu chuyện tranh chấp về tài nguyên và các ngư dân.”

[Kiên quyết ngăn chặn không để tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp]

Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn lãnh đạo chính quyền địa phương cùng đối thoại để tìm hướng hỗ trợ cho ngư dân, giải quyết được câu chuyện càng cạn kiệt thì càng khai thác, càng khai thác thì càng cạn kiệt.

Đồng thời, nâng cao năng lực, kỹ năng đi biển và trách nhiệm của ngư dân; phải làm tốt hơn nữa công tác giám sát, tăng cường kiểm tra đầu vào từng chiếc tàu ra khơi, kiểm tra từng thiết bị giám sát hành trình; tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn hàng của doanh nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Quyết tâm cao nhất gỡ “thẻ vàng" IUU ảnh 2Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết cần làm tốt công tác quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

“Siết chặt đầu vào quan trọng hơn là đầu ra, thay đổi cách quản trị, sự vào cuộc của hiệp hội ngành hàng mới có thể giải quyết thành công vấn đề,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về chất vấn của các đại biểu trong quy hoạch khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết có 3 trụ cột trong kinh tế biển là khai thác-nuôi trồng-bảo tồn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản và cũng quy hoạch được 11/17 khu bảo tồn biển.

Mục tiêu đề ra là đến năm 2030, số khu bảo tồn biển phải chiếm 6% diện tích mặt biển nhưng đến này mới chỉ đạt 0,17%.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, làm tốt công tác quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển được các khu bảo tồn biển sẽ không chỉ mang lại giá trị kinh tế, giảm thiểu vấn đề khai thác kiểu tận diệt.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chia sẻ các cơ quan phải cùng nhau, cộng đồng trách nhiệm, cùng với ngư dân, những người tham gia hậu cần ngành thủy sản và các hiệp hội ngành hàng mới có thể quản lý được tốt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục