Gỡ "thẻ vàng" IUU: Xử lý nghiêm tàu cá không đủ điều kiện khai thác

Đại diện Cục Kiểm ngư nhấn mạnh các địa phương phấn đấu từ nay đến tháng 10 không để tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài, như vậy, Việt Nam mới có cơ hội gỡ "thẻ vàng" IUU.
Gỡ "thẻ vàng" IUU: Xử lý nghiêm tàu cá không đủ điều kiện khai thác ảnh 1Lực lượng kiểm ngư tuyên truyền trực tiếp trên các tàu cá đang hoạt động đánh bắt trên biển. (Ảnh: TTXVN phát)

Dự kiến Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sang Việt Nam thanh tra thực tế lần thứ 4 vào tháng 10/2023. Như vậy, thời gian còn lại không còn nhiều, để cuộc làm việc với Đoàn Thanh tra của EC đạt kết quả tốt nhất, gỡ được cảnh báo "thẻ vàng."

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, tàu cá xuất/nhập bến; ngăn chặn, xử lý nghiêm tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản.

Để ngư dân hiểu và chấp hành tốt các quy định pháp luật, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương cần tăng cường đẩy mạnh thông tin, truyền thông để ngư dân cũng như cán bộ cấp cơ sở hiểu về chống khai thác IUU.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế và còn ảnh hưởng đến vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. "Khi bà con ngư dân hiểu được thì sẽ chấp hành pháp luật tốt hơn," Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết sau lần 3 kiểm tra, EC đã chỉ ra 4 tồn tại mà chúng ta cần khắc phục về khung pháp lý; quản lý đội tàu; truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; thực thi pháp luật.

Về văn bản quy phạm pháp luật, Việt Nam đã cơ bản đáp ứng yêu cầu. Hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản hiện đang lấy ý kiến Bộ Tư pháp sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 42/2019/NĐ-CP sẽ cho phép lực lượng cảnh sát biển được xử phạt vi phạm.

Như vậy, sẽ có các lực lượng là ban quản lý cảng cá, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư tham gia vào quản lý, giám sát và xử phạt vi phạm (nếu có). Đây là lực lượng sẽ thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, có các thiết bị giám sát để lực lượng chức năng có thể "phạt nguội" như trên đường bộ.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, điều này sẽ phát huy ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân cũng như công khai minh, bạch những hành vi vi phạm mà trước nay chưa xử lý được.

Gỡ "thẻ vàng" IUU: Xử lý nghiêm tàu cá không đủ điều kiện khai thác ảnh 2Thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá của ngư dân Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Qua kiểm tra việc thực thi pháp luật, chống khai thác IUU tại Quảng Ninh và Hải Phòng mới đây, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ ra, tuy tàu vi phạm khai thác tại vùng biển nước ngoài không có nhưng việc quản lý tàu đúng tuyến đúng vùng; việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xử lý vi phạm hành chính còn chưa thực hiện nghiêm.

Chẳng hạn như qua nhật ký khai thác, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá đây là khâu quan trọng trong quản lý tàu cá. Vẫn còn tình trạng tàu cá khai thác sai vùng, sai tuyến quy định. Nếu khai thác sai vùng, sai tuyến cũng là vi phạm khai thác IUU.

[Tiền Giang thực hiện tốt các khuyến nghị của EC về phòng, chống IUU]

"Nhật ký khai thác vẫn còn là 'hồi ký.' Nhật ký phải ghi rõ ngày đi, ngày về, khai thác ở những vị trí nào, khai thác bao lâu. Tàu phải đăng ký trước khi cập cảng 1 giờ. Nhật ký phải có sản lượng dự báo và sản lượng chính xác. Hai sản lượng này chênh lệch không quá 20%. Việc phân loại các sản phẩm phải rõ ràng. Nếu cung cấp cho nhà máy chế biến xuất khẩu phải có chứng từ đầy đủ. Hàng đã xuất khẩu hay còn tồn kho đều phải có hồ sơ lưu trữ rõ ràng. Đối với hàng nhập khẩu về chế biến xuất khẩu, cũng phải đầy đủ hồ sơ chứng từ nhập xuất. EC kiểm tra truy xuất nguồn gốc rất kỹ," Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ.

Về xử lý vi phạt hành chính, các địa phương vẫn dừng lại ở nhắc nhở, ký cam kết. Việc xử lý vi phạm có ý nghĩa quyết định việc thực thi pháp luật và sự chấp hành pháp luật của ngư dân và bộ máy quản lý.

Sau gần 6 năm chống khai thác IUU, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, với quyết tâm chính trị từ Trung ương đến địa phương đến nay chúng ta đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. EC cũng ghi nhận những kết quả vượt bậc của Việt Nam với sự vào cuộc đồng bộ các cấp, các ngành và các địa phương.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Hùng cũng cho rằng việc thực thi pháp luật ở địa phương còn hạn chế mặc dù đã có các đợt ra quân đồng loạt để kiểm tra, xử lý.

Gỡ "thẻ vàng" IUU: Xử lý nghiêm tàu cá không đủ điều kiện khai thác ảnh 3Kiểm ngư kiểm tra trang bị giám sát hành trình trên các tàu cá đang đánh bắt trên biển. (Ảnh: TTXVN phát)

Hiện Nghị định số 42/2019/NĐ-CP đã đảm bảo tính răn đe nhưng có địa phương làm tốt, có địa phương còn chưa xử phạt nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các vi phạm trong mất kết nối với thiết giám sát hành trình (VMS), không có đăng ký, đăng kiểm.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, quản lý tàu cá là vấn đề chính để có thể tiến tới gỡ "thẻ vàng" được hay không.

Với đội tàu lớn, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), cấp giấy phép khai thác, đăng ký đạt khoảng 98%. Với thời gian còn lại, các địa phương cần hoàn thiện các vấn đề trên cho các tàu chưa thực hiện trước khi đoàn EC sang Việt Nam.

Mỗi địa phương có mặt mạnh, mặt yếu trong khắc phục thẻ vàng IUU. Như Quảng Ninh thực thi pháp luật tốt nhưng quản lý tại cảng chưa tốt; Hải Phòng kiểm soát tại cảng cơ bản có tiến bộ nhưng xử phạt vi phạm hành chính còn hạn chế…

"Các mặt mạnh, mặt yếu của các địa phương đã được Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra trong các lần kiểm tra. Do đó, các địa phương cần rà soát lại việc quản lý đội tàu; kiểm soát hoạt động khai thác trên biển," ông Nguyễn Quang Hùng nêu rõ.

Việc tổng kiểm tra làm sao mà giám sát được toàn bộ tàu cá khi khai thác trên biển phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện như đăng ký đăng kiểm, giấy phép khai thác, bật VMS… Những trường hợp chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu thì cần giao địa phương quản lý chặt chẽ.

Những tỉnh có tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài thì phải xử lý dứt điểm. Các địa phương phấn đấu từ nay đến tháng 10 không để tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài. Như vậy, Việt Nam mới có cơ hội gỡ "thẻ vàng," ông Nguyễn Quang Hùng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết sắp tới, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU sẽ có hội nghị để rút kinh nghiệm với 180 ngày quyết liệt gỡ "thẻ vàng," qua đó để thấy rõ những gì đã làm được, còn vấn đề gì cần tiếp tục khắc phục để tháng 10/2023 khi Đoàn Thanh tra của EC kiểm tra, Việt Nam chứng minh được rằng đã quyết liệt và làm tốt trong chống khai thác IUU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục