Uzbekistan đóng biên giới để ngăn người chạy nạn

Chính phủ Uzbekistan đã đóng cửa biên giới, ngừng đón nhận người từ Kyrgyzstan sang lánh nạn, do không còn đủ nơi ăn chốn ở cho họ.
Chỉ một ngày sau khi mở cửa biên giới cho phép những người Kyrgyzstan sang lánh nạn, Chính phủ Uzbekistan ngày 14/6 ra lệnh đóng cửa biên giới, chấm dứt việc đón nhận những người gặp nạn láng giềng.

Phó Thủ tướng Uzbekistan Abdullah Aripov xác nhận nước này phải đóng cửa biên giới bất chấp những đề nghị khẩn thiết của các tổ chức cứu trợ và Liên hợp quốc.

Theo ông Abdullah Aripov, Uzbekistan quyết định đóng cửa biên giới là do hiện không còn đủ nơi ăn chốn ở, thậm chí chính quyền nước này không có đủ khả năng để đón nhận những người chạy nạn.

Ông Aripov cho biết Uzbekistan cần sự trợ giúp nhân đạo của cộng đồng quốc tế để giúp đỡ những người Kyrgyzstan sang cư trú.

Chính phủ Uzbekistan ước tính đã có khoảng 100.000 người Kyrgyzstan, trong đó chủ yếu là người thiểu số gốc Uzbekistan và Tajikistan, chạy sang Uzbekistan sau khi xảy ra các vụ xung đột sắc tộc đẫm máu tại khu vực miền Nam Kyrgyzstan, đặc biệt tại hai tỉnh Osh và Jalalabad.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế Kyrgyzstan công bố sáng 15/6, con số thiệt mạng trong các vụ xung đột này hiện đã lên tới 170 người, và hơn 1.760 người bị thương.

Trước nguy cơ bạo lực tại Kyrgyzstan biến thành xung đột vũ trang và lan sang các nước láng giềng, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền, bà Navi Pillay ngày 14/6 đã hối thúc nhà chức trách Kyrgyzstan hành động kiên quyết để chấm dứt các vụ đụng độ ở miền Nam mà bà cho rằng dường như đã "được sắp đặt, có mục tiêu và lên kế hoạch tốt" trước đó.

Theo bà Pillay, từ nhiều năm qua, đất nước Trung Á này đã được biết đến như một "mồi lửa tiềm tàng," và vì vậy bà kêu gọi nhà chức trách phải hành động kiên quyết để ngăn chặn xung đột càng sớm càng tốt, trước khi nó lan rộng hơn nữa trong lãnh thổ Kyrgyzstan hoặc thậm chí vượt qua biên giới lan cả sang các nước láng giềng.

Tuy nhiên, bà Pillay cũng cho rằng chính sách cho phép sử dụng vũ lực của Chính phủ lâm thời Kyrgyzstan không phải "lời giải" cho tình hình hiện nay.

Bà Pillay cũng hối thúc các nước láng giềng Uzbekistan và Tajikistan tiếp tục mở cửa biên giới để đón nhận những người dân Kyrgyzstan sang lánh nạn. Đại diện Liên hợp quốc cũng kêu gọi mở một hành lang nhân đạo để chuyển viện trợ cho các thường dân Kyrgyzstan gặp nạn.

Hiện Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã điều các máy bay tới để đón các công dân của họ đang còn bị kẹt lại ở miền Nam Kyrgyzstan.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu, bà Catherine Ashton đều bày tỏ lo ngại trước tình hình an ninh căng thẳng tại Kyrgyzstan, lên án tình trạng bạo lực đẫm máu và kêu gọi việc lập lại trật tự và luật phát cùng với một giải pháp hòa bình tại nước này.

Trong khi đó, các hãng tin Nga dẫn lời Tổng thống nước này, ông Dmitry Medvedev cùng ngày cho biết Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) có thể nhóm họp khẩn cấp để thảo luận tình hình căng thẳng ở nước thành viên Kyrgyzstan.

Trước đó Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (ODKB) cũng đã nhóm họp khẩn cấp thảo luận vấn đề này.

Khẳng định tình hình tại Kyrgyzstan là không thể chấp nhận được, ông Medvedev cho biết diễn biến hiện nay cần phải được chấm dứt theo khuôn khổ luật pháp.

Theo Tổng thống Nga, các bộ trưởng an ninh của ODKB, gồm Kyrgyzstan, Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Tajikistan và Uzbekistan đã có những biện pháp phản ứng trước tình trạng bạo loạn mới nhất tại quốc gia Trung Á này, và giờ đây tùy thuộc vào các nguyên thủ quốc gia OKDB để đưa ra những quyết định tiếp theo.

Cùng ngày, Tổng thống bị lật đổ của Kyrgyzstan Kurmanbek Bakiyev đã kêu gọi ODKB gửi quân trấn áp bạo loạn ở nước này.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Belarus, nơi ông đã ẩn náu sau khi bị lật đổ hồi tháng Tư vừa qua, ông Bakiyev cho rằng Chính phủ lâm thời Kyrgyzstan đã mất quyền kiểm soát và rằng lực lượng gìn giữ hòa bình có thể "đưa tình hình trở lại bình thường"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục