Vắcxin phòng COVID-19 thử nghiệm của Moderna đạt hiệu quả tới 94,5%

Một trong những ưu điểm lớn nhất của vắcxin Moderna là không cần bảo quản cực lạnh như vắcxin của Plizer, lợi thế dễ dàng phân phối hơn.
Vắcxin phòng COVID-19 thử nghiệm của Moderna đạt hiệu quả tới 94,5% ảnh 1Tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho một tình nguyện viên tại Hollywood, bang Florida, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tập đoàn công nghệ sinh học Moderna Inc của Mỹ ngày 16/11 thông báo vắcxin thử nghiệm của hãng này đã phát huy tới 94,5% hiệu quả trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Moderna trở thành tập đoàn dược phẩm thứ hai của Mỹ trong vòng một tuần báo cáo kết quả thử nghiệm vắcxin phòng COVID-19 có hiệu quả cao hơn mức dự báo.

Dựa trên dữ liệu tạm thời về thử nghiệm lâm sàng đối với 95 ca nhiễm trong số 30.000 người tham gia (tất cả được dùng giả dược hoặc vắcxin). Chỉ có 5 trường hợp nhiễm virus xảy ra trong số những người được tiêm chủng 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 28 ngày.

[Vắcxin ngừa COVID-19 đặt ra những thách thức hậu cần]

Một trong những ưu điểm lớn nhất của vắcxin Moderna là không cần bảo quản cực lạnh như vắcxin của Plizer, lợi thế dễ dàng phân phối hơn.

Moderna hy vọng vắcxin có thể ổn định ở nhiệt độ tủ lạnh tiêu chuẩn từ 2-8 độ C trong 30 ngày và có thể được bảo quản đến 6 tháng ở nhiệt độ âm 20 độ C.

Như vậy, cùng với vắcxin phòng COVID-19 của công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển, cũng cho thấy hiệu quả lên tới hơn 90% và đang chờ thêm dữ liệu an toàn cũng như xem xét những quy định về pháp lý, Mỹ có thể có 2 loại vắcxin ngừa COVID-19 được cấp phép để đưa vào sử dụng khẩn cấp trong tháng 12 tới.

Ngoài khoảng 20 triệu liều dự kiến có thể sản xuất trong năm nay, năm 2021, Chính phủ Mỹ có thể tiếp cận được với hơn 1 tỷ liều từ các nhà sản xuất dược phẩm trên, nhiều hơn cả nhu cầu của 330 triệu người dân Xứ Cờ hoa.

Theo các nhà khoa học, cả 2 loại vắcxin trên đều được chế tạo bằng công nghệ mới, sử dụng các phân tử được gọi là "RNA thông tin" (mRNA) - một phương pháp chưa từng được chấp thuận trước đây, điển hình của những công cụ mới mạnh mẽ chống lại đại dịch mà đến nay đã khiến gần 55 triệu người trên thế giới mắc và hơn 1,3 triệu người tử vong.

Thông tin về vắcxin thứ hai phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch COVID-19 được đưa ra đúng thời điểm số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tính theo ngày ở Mỹ liên tục trên mức 150.000 ca/ngày trong vòng một tuần qua. Cao điểm có ngày số ca mắc mới lên tới 180.000 ca/ngày.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến đầu tháng 10 vừa qua, các chuyên gia trên thế giới đã nghiên cứu phát triển 193 vắcxin ngừa COVID-19, trong đó 42 vắcxin đang được thử nghiệm lâm sàng.

Pfizer và BioNTech là những hãng dược đầu tiên công bố số liệu thử nghiệm vắcxin COVID-19 trên diện rộng thành công.

Theo kế hoạch cung ứng, hai công ty trên hy vọng sẽ cung cấp tối đa 50 triệu liều vắcxin trên toàn thế giới trong năm 2020 và tối đa 1,3 tỷ liều trong năm 2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục