Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết cuối năm 2020 đã không nêu bật được vai trò quan trọng của Nhật Bản với tư cách là đối tác đối thoại đối với các thành viên tham gia đàm phán.
Chiến lược địa kinh tế của Nhật Bản sẽ tiếp tục định hình tương lai của kiến trúc thương mại và đầu tư trong khu vực.
Phóng viên TTXVN tại Sydney khai thác bài phân tích của tác giả Saori N. Katada về vai trò của Nhật Bản đối với nền kinh tế khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và quá trình hoàn tất ký kết RCEP đăng trên trang mạng của Viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA) ngày 18/2.
RCEP đã được ký kết giữa 10 thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 đối tác khu vực (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) vào ngày 15/11/2020.
RCEP được công nhận là hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất trên thế giới, là kết quả của các cuộc đàm phán kéo dài 8 năm với sự dẫn dắt của ASEAN.
RCEP ngoài việc gây tranh cãi vì không có sự tham gia của Mỹ thì cũng đã làm dấy lên lo ngại về đòn bẩy địa chính trị của Trung Quốc so với Mỹ và sự thống trị của Trung Quốc trong việc xác định các kiến trúc thương mại khu vực.
Sự giằng co về trật tự kinh tế khu vực vẫn tiếp diễn. Đối mặt với nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại do đại dịch và mối đe dọa từ Mỹ, Trung Quốc đã thể hiện quyết tâm tham gia vào cuộc cạnh tranh thiết lập quy tắc và tiêu chuẩn trong thương mại và đầu tư khu vực.
Tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tháng 11/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng Trung Quốc “đang cân nhắc lợi ích” của việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Mỹ, quốc gia có quá trình chuyển đổi tổng thống vừa kết thúc một cách đầy sóng gió, hiện đang nằm ngoài vòng lặp của động lực xây dựng quy tắc kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bất chấp những lời kêu gọi mạnh mẽ để Mỹ quay trở lại bàn đàm phán, Chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden có khả năng sẽ ưu tiên việc giải quyết các vấn đề và sự chia rẽ trong nước trước khi tính đến việc quay lại chương trình nghị sự này.
Trong khi đó, các chính phủ có cùng chí hướng với các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản và Australia được cho là sẽ giữ vững vị trí của trật tự kinh tế tự do quốc tế. Sự lãnh đạo đến từ các cường quốc bậc trung là hoàn toàn có thể xảy ra, thể hiện qua các hành động gần đây của Nhật Bản.
Sự lãnh đạo của Nhật Bản có ý nghĩa như thế nào?
Nhật Bản đã chủ động tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn gần đây. RCEP không phải là FTA lớn duy nhất mà Nhật Bản đã ký kết trong vài năm qua. Thành công của CPTPP phần lớn cũng nhờ sự lãnh đạo của Nhật Bản.
FTA lớn thứ ba mà Nhật Bản ký kết trong thời gian qua là với Liên minh châu Âu (EU), có hiệu lực vào tháng 2/2019.
Vượt qua mối quan hệ song phương căng thẳng với Trung Quốc và đối mặt với Chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump bấp bênh trong bốn năm qua, chiến lược địa kinh tế của Nhật Bản đã tỏ ra khá hiệu quả trong việc thiết lập các quy tắc và tiêu chuẩn kinh tế ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nhật Bản đã làm cách nào để đạt được những kỳ tích như vậy? Chính nhờ bối cảnh kinh tế khu vực và sự chuyển đổi kinh tế của Nhật Bản đã góp phần gây dựng vai trò lãnh đạo kinh tế tích cực của Nhật Bản trong khu vực.
Thứ nhất, căng thẳng địa kinh tế gia tăng trong khu vực đã khiến Nhật Bản tận dụng vị trí then chốt của đất nước này khi xung đột về ý thức hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng trong suốt 10 năm qua.
Vị trí quan trọng này không có nghĩa là Nhật Bản có thể thay đổi vị thế như là đồng minh lâu năm với Mỹ và với đối tác thương mại lớn nhất và láng giềng Trung Quốc.
Thay vào đó, vị trí này có nghĩa là với sức mạnh kinh tế tương đối lớn, Nhật Bản có thể tạo ảnh hưởng mạnh mẽ đến các loại quy tắc và thể chế được áp dụng cho khu vực.
Thứ hai, sự chuyển đổi kinh tế của Nhật Bản trong vài thập kỷ qua minh họa con đường cho nhiều nền kinh tế châu Á đi theo quỹ đạo của Nhật Bản trong quá trình bắt kịp sự phát triển kinh tế quốc tế.
[Kinh tế Nhật Bản phục hồi mạnh trong quý 4 năm 2020 bất chấp đại dịch]
Sự chuyển dịch kinh tế của Nhật Bản từ một “quốc gia phát triển” theo chủ nghĩa trọng thương mới sang một quốc gia tự do cung cấp một ví dụ hữu ích cho các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Việt Nam hoặc Malaysia.
Các kinh nghiệm này thường mang tính tích cực, khơi dậy khát vọng cho tương lai của các quốc gia nói trên và gợi ý các bước đi cụ thể cần thực hiện.
Các nước đó cũng có thể học hỏi từ những thất bại của Nhật Bản để tránh những xung đột thương mại nghiêm trọng hoặc làm chậm cải cách cơ cấu trong nước trong quá trình phát triển như đã được ghi nhận trong nhiều thập kỷ mất mát của Nhật Bản.
Cuối cùng, việc từng ở vị thế là “kẻ phản diện thương mại” trong quá khứ đã giúp Nhật Bản kết nối hai hệ tư tưởng kinh tế phổ biến trong khu vực là tư tưởng kinh tế tiên tiến xoay quanh chủ nghĩa tự do kinh tế mới và tư tưởng do những người đến sau ủng hộ dưới hình thức chủ nghĩa phát triển kinh tế, bao gồm chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa tư bản do nhà nước lãnh đạo.
Khi các nền kinh tế ở châu Á trải qua quá trình chuyển đổi năng động từ các nhà sản xuất có thu nhập thấp, sử dụng nhiều lao động sang các nhà sản xuất hàng công nghệ cao có thu nhập trung bình đến cao, các quy tắc mà những nước này cần để điều hành nền kinh tế khu vực sẽ thay đổi.
Do đó, khi các nền kinh tế này bắt đầu tận dụng các chuỗi cung ứng mở rộng bao phủ khu vực thông qua đầu tư thì các quy tắc tiêu chuẩn cao về quyền sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử càng trở nên quan trọng.
Các nhà đàm phán của Nhật Bản về RCEP nhận thức được sự chuyển đổi kinh tế như vậy sẽ mất thời gian đối với nhiều nền kinh tế trong khu vực. Bởi vậy, RCEP là cần thiết để phù hợp với các con đường đa dạng và linh hoạt.
RCEP cũng là một thỏa thuận chung có thể phát triển cùng với các thành viên khu vực, trong đó các điều kiện có thể được xem xét lại 5 năm một lần để sửa đổi và cập nhật các điều khoản.
Để phản ánh vai trò hiệu quả của Nhật Bản trong việc hoạch định luật lệ ở khu vực, Nhật Bản đã được giới tinh hoa các nước ASEAN bình chọn là cường quốc đáng tin cậy nhất trong khu vực.
Hợp tác mang tính ràng buộc với Trung Quốc
Bất chấp sự tự tin của Trung Quốc với những hành động mang tính đe dọa, cụ thể như cuộc chiến thương mại hiện tại với Australia, nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc cần thị trường toàn cầu tiếp tục phát triển. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, Trung Quốc hiện đang đứng trước ngã ba đường, trước sự lựa chọn tiếp tục con đường phát triển hiện tại hay nghiêm túc chuyển sang con đường cải cách.
Nếu Trung Quốc chọn phương án thứ hai, nước này sẽ gặp rất nhiều trở ngại phía trước, đặc biệt là khi cải tổ các doanh nghiệp nhà nước vốn có nhiều tác động đến nền chính trị.
Vì vậy, tham vọng làm cho nền kinh tế áp dụng các tiêu chuẩn cao và các quy tắc của các hiệp định như CPTPP là rất hữu ích để các nhà lãnh đạo có tư tưởng cải cách của Trung Quốc có thể nghiêng cán cân quyền lực chính trị trong nước có lợi cho việc tái cơ cấu.
Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đã mở rộng ra toàn cầu. Một Trung Quốc hùng mạnh về kinh tế sẽ còn duy trì ở khu vực trong nhiều thập kỷ tới và điều quan trọng đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với vai trò của Trung Quốc trong sự thịnh vượng của nền kinh tế toàn cầu, là đưa ra các quy tắc kinh tế mạnh mẽ để đảm bảo tương lai phụ thuộc lẫn nhau.
Hợp tác giữa các cường quốc trong khu vực sẽ ràng buộc Trung Quốc theo con đường tiêu chuẩn cao, như cách Nhật Bản đã làm trong một thời gian, là một hướng hành động hợp lý./.