Ngày 11/11, Hội thảo quốc tế về châu Á với chủ đề "Xu hướng và các vấn đề nổi lên ở khu vực Đông Nam Á, Đông Á và Nam Á" đã diễn ra tại Prague, Cộng hòa Séc.
Đây là hội thảo thường niên lần thứ 8 do Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ-Thái Bình Dương (CIPS), Đại học Metropolitan Praha (MUP) tổ chức.
Khoảng 40 đại biểu, trong đó có 24 chuyên gia nghiên cứu đến từ các trung tâm nghiên cứu, trường đại học của Séc, Ba Lan, Đức, Anh, Áo, Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines, Trung Quốc cùng hàng chục sinh viên và những người Séc quan tâm đến châu Á đã tham dự hội thảo.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về một số vấn đề nổi lên liên quan đến Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, môi trường chính trị và an ninh khu vực Đông Nam Á..., trong đó tranh chấp Biển Đông được nhiều chuyên gia đi sâu phân tích.
Trong tham luận về chiến lược địa chính trị của Trung Quốc, chuyên gia Francisco Falsetti Xavier, Đại học Cát Lâm (Trung Quốc) cho rằng tham vọng trở thành cường quốc thế giới, nhu cầu về nguyên, nhiên liệu của nền kinh tế bùng nổ và việc Mỹ rút quân khỏi Philippines (1992) đã thúc đẩy Trung Quốc gia tăng các động thái gây căng thẳng ở Biển Đông.
Theo thống kê của Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS, Anh), trong những năm gần đây, Trung Quốc gia tăng mạnh chi tiêu quốc phòng. Năm 2015, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc vào khoảng 145,8 tỷ USD, chỉ đứng sau Mỹ trên thế giới.
Chuyên gia Jan Blinka, Đại học Masaryk, Brno (Séc) có bài tham luận về "chiến tranh hỗn hợp" ở Đông Nam Á, trong đó phân tích về chiến thuật "xâm lược và củng cố kiểm soát" của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua việc bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo, thiết lập căn cứ quân sự và khả năng lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trong khu vực. Trung Quốc cũng sử dụng các biện pháp "phi truyền thống" nhằm tăng cường ảnh hưởng trong khu vực như đưa ra các bản đồ cổ và các tư liệu "pháp lý," tiến hành chiến dịch tuyên truyền về các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông; tăng cường sử dụng lực lượng Hải giám trong việc đối phó với lực lượng của các nước khác trên biển.
Ông Blinka đánh giá Trung Quốc đã và đang sử dụng cả các biện pháp quân sự truyền thống và phi truyền thống (sức mạnh kinh tế, ảnh hưởng về văn hóa...) nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.
Tiến sỹ Marcin Socha, Đại học Lodz (Ba Lan) phân tích,Trung Quốc đã bắt đầu chiến lược mở rộng lãnh thổ và tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông từ thập niên 50 của thế kỷ XX. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động khẳng định chủ quyền ở Biển Đông cả trên phương diện chính trị, quân sự và pháp lý. Trung Quốc tăng cường xây dựng lực lượng hải quân nhằm hiện thực hóa "giấc mộng biển"; tiến hành bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo, diễn giải lại luật pháp quốc tế theo hướng có lợi cho Bắc Kinh... Điều này không chỉ gia tăng căng thẳng giữa các nước liên quan trong khu vực mà còn khiến nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc và các nước lớn có lợi ích ở Biển Đông, nhất là Nhật Bản.
Về chính sách của các nước lớn đối với khu vực, ông Toru Furugori, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Séc khẳng định chính sách đối ngoại thúc đẩy hòa bình và ổn định của Nhật Bản, trong đó có khu vực Biển Đông thông qua ba trụ cột: củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ, tăng cường quan hệ với các nước láng giềng và đẩy mạnh ngoại giao kinh tế.
Trong khi đó, tiến sỹ Maria Strasakova, Đại học Metropolitant Praha (Séc) nhận định chính sách đơn phương hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là nhân tố thúc đẩy các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam tăng cường quan hệ với các nước lớn. Việt Nam và Nhật Bản có quan hệ sâu sắc trong lĩnh vực kinh tế và hiện đang mở rộng trong lĩnh vực an ninh. Chính sách đa dạng hóa quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản… đóng vai trò quan trọng đối với Việt Nam trong việc nâng cao vị thế quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường năng lực quốc phòng và bảo vệ các lợi ích chiến lược ở Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Praha, tiến sỹ Maria Strasakova, Giám đốc Trung tâm CIPS, Đại học MUP nhận định thách thức lớn nhất ở Biển Đông hiện nay là việc Trung Quốc không tôn trọng lãnh hải của các quốc gia khác. Chính sách này gia tăng căng thẳng giữa các nước liên quan trong khu vực.
Tiến sỹ Strasakova khẳng định việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế mà Việt Nam đang theo đuổi đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ đối với Việt Nam và mà còn đối với cả thế giới, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Hiện phần lớn hàng tiêu dùng ở châu Âu được sản xuất ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Vì vậy, châu Âu cần một môi trường hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Về phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông (PCA), tiến sỹ Strasakova khẳng định, PCA có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Các nước liên quan cần tôn trọng và thực thi phán quyết của tòa.
Mặc dù vậy, Tiến sỹ Strasakova cũng bày tỏ lo ngại đối với những thách thức xung quanh việc Trung Quốc không tôn trọng phán quyết của tòa./.