Vấn đề Brexit: Hạn chót cho Chính phủ Anh xoay chuyển tình thế

Theo nguồn tin ngoại giao của Pháp, thời gian đang cạn dần và các lãnh đạo EU sẽ không đàm phán trực tiếp về thỏa thuận Brexit tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu vào giữa tháng 10.
Toàn cảnh phiên bỏ phiếu của Nghị viện châu Âu về lập trường của Liên minh châu Âu đối với thỏa thuận Brexit, tại Strasbourg, Đông Bắc Pháp ngày 18/9/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Toàn cảnh phiên bỏ phiếu của Nghị viện châu Âu về lập trường của Liên minh châu Âu đối với thỏa thuận Brexit, tại Strasbourg, Đông Bắc Pháp ngày 18/9/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 19/9, một nguồn tin ngoại giao của Pháp cho biết thời gian để Anh và Liên minh châu Âu (EU) đạt được một thỏa thuận Brexit - chỉ việc Anh rời EU, đang cạn dần và sẽ là quá muộn để các lãnh đạo EU thống nhất một thỏa thuận tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu ở Brussels vào giữa tháng 10.

Lời cảnh báo trên được đưa ra sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp Thủ tướng Phần Lan Antti Rinne tại Paris hôm 18/9.

Theo nguồn tin này, ý tưởng được đưa ra tại cuộc gặp là thời gian đang cạn dần và các lãnh đạo EU sẽ không đàm phán trực tiếp về thỏa thuận Brexit tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu vào giữa tháng 10.

Trong khi đó, truyền thông Phần Lan dẫn lời thủ tướng nước này cho biết hai nhà lãnh đạo đã thống nhất hạn chót là cuối tháng Chín Thủ tướng Anh Boris Johnson phải đưa ra một đề xuất rõ ràng nhằm tránh kịch bản Brexit không thỏa thuận. Đây cũng là thông điệp mà ông Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra hồi tháng trước. Thủ tướng Phần Lan cho rằng nếu không có đề xuất nào rõ ràng được Anh đưa ra trước ngày 30/9 thì mọi việc coi như kết thúc.

Trong khi đó, hai nguồn tin ngoại giao của EU cho biết tuy lãnh đạo của 27 nước thành viên EU chưa thảo luận hay quyết định một thời hạn cụ thể cho Anh đưa ra đề xuất tránh kịch bản Brexit không thỏa thuận, nhưng cuối tháng Chín là thời hạn phù hợp để giúp Anh tránh thất bại tại hội nghị thượng đỉnh EU vào giữa tháng 10.

Việc đưa ra đề xuất muộn hơn thời điểm này có thể sẽ không đủ thời gian cho hội đồng EU đưa ra một quyết định có ý nghĩa. Một số nguồn tin ngoại giao xác nhận Anh đã gửi các đề xuất bằng văn bản tới EU nhằm thay đổi thỏa thuận Brexit bế tắc hiện tại.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Cộng hòa Ireland Simon Coveney cho biết Anh chưa đưa ra được đề xuất nào "đáng tin cậy" thay thế cho điều khoản "chốt chặn" và điều này đang khiến phía EU lo ngại.

[Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết ủng hộ lập trường EU về Brexit]

Cũng trong ngày 19/9, Bộ trưởng Brexit Anh Stephen Barclay kêu gọi EU linh hoạt và sáng tạo trong vấn đề này, nêu rõ điều khoản "chốt chặn" cần phải được loại bỏ khỏi thỏa thuận hiện tại. Ông Barclay khẳng định Anh mong muốn hai bên đạt thỏa thuận nhưng cần sự nỗ lực từ hai phía để đạt được kết quả này.

Bộ trưởng Anh kêu gọi hai bên cùng linh hoạt và sáng tạo để đảm bảo một thỏa thuận mà Anh có thể tuân thủ, một thỏa thuận không có điều khoản "chốt chặn" và sẽ được nghị viện hai bên chấp thuận.

Ông nhắc lại thỏa thuận Brexit hiện tại với điều khoản "chốt chặn" đã bị bác bỏ ba lần tại Hạ viện Anh đồng thời chỉ ra một số điểm "không thể chấp nhận" ở điều khoản này trong đó có việc không có gì đảm bảo rằng điều khoản này sẽ chỉ mang tính tạm thời. Ông này xác nhận sẽ gặp trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier ngày 20/9.

Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua nghị quyết ủng hộ thỏa thuận Brexit hiện tại, cho rằng thỏa thuận này công bằng và đảm bảo về mặt pháp lý, đồng thời tái khẳng định EP ủng hộ việc Anh rời EU suôn sẻ theo đúng kế hoạch. Các nghị sỹ nhấn mạnh sẽ không chấp nhận một thỏa thuận không có điều khoản “chốt chặn” về vấn đề biên giới vùng lãnh thổ Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.

Điều khoản này quy định sau Brexit, Anh sẽ ở lại liên minh thuế quan trong khi vùng Bắc Ireland duy trì quan hệ thương mại gần gũi hơn với EU để đảm bảo tránh một đường biên giới cứng trên đảo Ireland, cũng như sự toàn vẹn của "Hiệp ước ngày thứ Sáu tốt lành" ký kết năm 1998 vốn mang lại sự ổn định trong vùng này sau cuộc xung đột kéo dài 30 năm khiến hàng nghìn người thiệt mạng.

Phe bài EU tại Anh kịch liệt phản đối vì cho rằng điều khoản này sẽ khiến Anh mắc kẹt vô thời hạn trong những quy định thuế quan của EU và khó tiến tới mục tiêu tự do về kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục