Vấn đề Brexit: Những kết quả của giai đoạn đàm phán thứ nhất

Sau 6 tháng đàm phán về Brexit, Anh và Liên minh châu Âu đã đạt thỏa thuận về những điều khoản "ly hôn" để chuyển sang giai đoạn hai đàm phán về tương lai mối quan hệ song phương.
Vấn đề Brexit: Những kết quả của giai đoạn đàm phán thứ nhất ảnh 1 Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Thủ tướng Anh Theresa May. (Nguồn: THX/ TTXVN)

Ngày 8/12, sau 6 tháng đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, hai bên đã đạt thỏa thuận về những điều khoản "ly hôn" để chuyển sang giai đoạn hai đàm phán về tương lai mối quan hệ song phương.

Trước tiên, quyền công dân được xem là một trong những ưu tiên quan trọng nhất của EU. Tổng cộng 4,5 triệu công dân EU sống tại Anh và công dân Anh sống tại EU vẫn giữ được quyền cơ bản là đi lại tự do giữa Anh với EU và ngược lại. Mọi công dân của Anh và EU đang sống trên lãnh thổ phía bên kia trước khi Brexit diễn ra được quyền tiếp tục cư trú, làm việc và học tập.

Các thành viên gia đình như vợ, con, bố, mẹ hay ông, bà của họ được quyền đoàn tụ trong tương lai nếu những người này hiện nay không sống tại Anh. Tất cả trẻ em đều được hưởng quyền này, ngay cả khi những em nhỏ được sinh ra sau Brexit. Lẽ dĩ nhiên, các thành viên gia đình của những người Anh sống tại EU cũng được hưởng các quyền tương tự. Ngoài ra, các công dân Anh và EU sinh sống tại lãnh thổ của phía bên kia vẫn giữ được quyền hưởng dịch vụ chăm sóc y tế, hưu trí và các khoản trợ cấp xã hội khác.

Bên cạnh đó, nước Anh sẽ xây dựng một quy trình để nhận được "quy chế đặc biệt của Anh." EU và Anh sẽ tiếp tục thảo luận một cách chi tiết về quy chế này nhưng các nguyên tắc đã được nêu rõ ràng trong thỏa thuận. Quyền của các công dân sẽ được đảm bảo bằng những cơ chế hiệu quả và thỏa thuận về "ly dị" sẽ được đưa vào luật của Anh. Các thẩm phán Anh sẽ sử dụng luật của nước này khi xét xử nhưng tòa án Anh phải tham khảo Tòa công lý châu Âu trong các cuộc xét xử. Nước Anh sẽ thành lập một cơ quan độc lập để đảm bảo việc áp dụng đúng các điều khoản của thỏa thuận và trợ giúp công dân của mình.

[Tiến trình đàm phán Brexit vẫn còn nhiều chông gai]

Thứ hai là vấn đề đường biên giới Ireland. EU và Anh thống nhất tránh việc tái lập một đường biên giới cứng trên đảo Ireland. Anh cam kết sẽ không thiết lập biên giới cứng nhằm bảo vệ thỏa thỏa thuận "Ngày Thứ sáu tốt lành" - hiệp định ký năm 1998 mang lại hòa bình cho Bắc Ireland sau hàng thập kỷ xung đột và đảm bảo phát tiển kinh tế của đảo Ireland. Những người sống ở Bắc Ireland là công dân Cộng hòa Ireland tiếp tục được hưởng các quyền như công dân EU. Nước Anh cũng đưa ra các đảm bảo cần thiết cho phép tiếp tục duy trì các khu vực đi lại chung.

Cuối cùng là vấn đề thanh toán tài chính. Hai bên đã thống nhất được danh sách các mục phải thanh toán, các nguyên tắc tính toán giá trị các khoản phải trả và những điều kiện để Anh tham gia các chương trình trong Khuôn khổ tài chính nhiều năm trong giai đoạn 2014-2020, ngay cả sau khi nước này chính thức rời EU. 

Bên cạnh đó, Anh và EU cũng đã thống nhất về các thu xếp liên quan đến Ngân hàng đầu tư châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ phát triển châu Âu. Anh cũng cam kết sẽ đóng góp vào ngân sách năm 2019 và 2020 của EU với mức tương đương như khi còn là thành viên của Liên minh châu Âu.

Trước đó cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho biết các cuộc đàm phán Brexit giữa Anh và EU đã đạt được những "tiến bộ đầy đủ" để mở ra giai đoạn 2 bàn thảo về tương lai quan hệ thương mại với nước Anh. Dự kiến, thỏa thuận trên sẽ được trình lên lãnh đạo 27 nước xem xét thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh tới. Với những bước tiến này, các cuộc đàm phán giữa Anh và EU về thương mại và giai đoạn chuyển tiếp sau Brexit sẽ có thể được khởi động vào đầu năm 2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục