Vấn đề Brexit: Scotland và xứ Wales thúc đẩy các quy định riêng

Scotland và xứ Wales đã tiến hành bỏ phiếu về những quy định riêng nhằm đảm bảo các quyền hạn có được sau Brexit không chỉ tập trung vào chính quyền trung ương ở London.
Vấn đề Brexit: Scotland và xứ Wales thúc đẩy các quy định riêng ảnh 1Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 21/3, chính quyền các vùng lãnh thổ Scotland và xứ Wales đã tiến hành bỏ phiếu về những quy định riêng nhằm đảm bảo các quyền hạn có được sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) (Brexit) không chỉ tập trung vào chính quyền trung ương ở London.

Các cơ quan lập pháp ở cả Scotland và Wales đều ủng hộ "các dự luật nối tiếp" để đảm bảo Edinburgh (thủ phủ Scotland) và Cardiff (thủ phủ xứ Wales) cũng có được những quyền hạn từ Brussels trong giai đoạn hậu Brexit thay vì chỉ tập trung vào Quốc hội Anh.

Mong muốn trên được cho là đi ngược với chủ trương của chính phủ Thủ tướng Anh Theresa May rằng sau Brexit, trước tiên London sẽ nắm mọi quyền hạn để tránh trường hợp các vùng lãnh thổ có những quy định khác nhau, có thể gây nhiễu loạn hoạt động trao đổi thương mại trong nước.

[Vấn đề Brexit: Nhiều nghị sỹ Anh đề nghị trì hoãn thời hạn rời EU]

Tuy nhiên, nhiều quyền hạn có lại được từ Brussels liên quan tới các quy định trong những ngành đặc thù địa phương như đánh bắt cá và nông nghiệp thường sẽ do địa phương quản lý và vì vậy họ sẽ không cần phải đợi chính quyền trung ương cho phép mới thực hiện các thay đổi cần thiết.

Các cơ quan lập pháp ở Scotland hay Wales đều đã bắt tay xây dựng những quy định Brexit riêng trước khi tiến hành bỏ phiếu. Vấn đề nằm ở chỗ liệu những biện pháp này có phù hợp với luật pháp Anh hay không và những biện pháp gây tranh cãi này cũng có thể dẫn tới những cuộc chiến pháp lý dai dẳng trong nội bộ nước Anh.

Chính phủ của Thủ tướng May cũng không đảm bảo về mặt luật pháp rằng chính quyền trung ương sẽ không can thiệp vào hệ thống luật của Endinburgh và Cardiff sau Brexit./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục