Hiện Chính phủ liên bang Đức và các bang của nước này đang bất đồng gay gắt về chính sách đối với người tỵ nạn trong bối cảnh số người tỵ nạn tới Đức ngày càng tăng mạnh.
Sau cuộc họp đặc biệt với sự tham dự của 16 thủ hiến bang ở Đức tại thành phố Potsdam ngày 27/11, các bang thống nhất sẽ không dùng tiền từ quỹ bang để chi trả cho những khoản phí phát sinh của người tỵ nạn.
Lãnh đạo các bang nhất trí kêu gọi chính quyền liên bang chia sẻ gánh nặng trong việc trợ giúp người tỵ nạn, xem đây là một nhiệm vụ chung của tất cả các cấp, và đưa ra một kế hoạch hỗ trợ người tỵ nạn dài hạn mang tính hệ thống thay vì những giải pháp tạm thời như hiện nay.
Chủ tịch Hiệp hội các thành phố của Đức, ông Ulrich Maly cho rằng chính quyền liên bang và các bang cũng cần có thêm những hỗ trợ tài chính cho các thành phố và đơn vị hành chính cấp nhỏ hơn trong các hoạt động giúp người tỵ nạn hòa nhập cộng đồng như dạy ngôn ngữ, cho trẻ tới trường, hỗ trợ tìm việc làm...
Theo kế hoạch của chính phủ liên bang, Đức sẽ cần 1 tỷ Euro để chi trả cho người tỵ nạn trong hai năm tới, trong đó chính quyền liên bang và các bang mỗi bên sẽ chịu 50%.
Dự kiến, Hội đồng liên bang Đức (Thượng viện) tiếp tục thảo luận về quỹ cứu trợ cho người tỵ nạn trong ngày 29/11. Trong trường hợp liên bang và các bang không đạt được sự thống nhất, Thủ tướng Angela Merkel và thủ hiến các bang sẽ có cuộc họp cuối cùng để quyết định vấn đề này vào ngày 11/12 tới.
Riêng trong năm 2014, số người tỵ nạn tới Đức đã lên tới 200.000 người. Chính quyền địa phương và các thành phố ở Đức đang phải chi trả tiền ăn ở, khám chữa bệnh cho số người tị nạn này.
Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng những người nhập cư đang làm lợi cho hệ thống phúc lợi xã hội của nước này. Hằng năm, lượng đóng góp mà cư dân nhập cư mang lại cho hệ thống phúc lợi xã hội cao hơn lượng chính phủ chu cấp cho cộng đồng này trung bình 3.300 euro (4.118 USD).
Năm 2012, cộng đồng này mang về cho ngân sách nước Đức 22 tỷ Euro tiền thuế./.