Văn hóa, với tất cả sự đa dạng của nó, cần được gắn kết toàn diện với chương trình phát triển sau năm 2015.
Đây là tuyên bố được các quan chức hàng đầu của Liên hợp quốc đưa ra ngày 5/5, nhằm nhấn mạnh vai trò có ý nghĩa sống còn của văn hóa trong cuộc chiến chống đói nghèo và thúc đẩy tăng trưởng bền vững của loài người.
Phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc về vai trò của văn hóa trong lộ trình phát triển toàn cầu sau năm 2015 - thời điểm hoàn tất các Mục tiêu phát triển Thiên nhiên kỷ chống đói nghèo (MDGs), Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jan Eliassion bày tỏ hy vọng cuộc thảo luận sẽ giúp đúc kết các kinh nghiệm và thực tiễn hoạt động văn hóa thành những phương hướng sáng tạo mới nhằm truyền cảm hứng cho chương trình phát triển hậu 2015 và hoạt động của Liên hợp quốc vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Ông Eliassion khẳng định văn hóa không ngừng thay đổi, tiến hóa và phản ánh xã hội, đưa ra những giá trị mới và những trải nghiệm mới vì vậy cần phải công nhận vai trò của văn hóa, và bảo vệ văn hóa để sức lan tỏa của nó tác động tới mọi bình diện trong chương trình phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đồng thời để nhìn nhận văn hóa như một phần sáng tạo của bản sắc quốc gia.
Chia sẻ quan điểm này, quyền Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Mohamed Khaled Khiari nhấn mạnh văn hóa là "sợi chỉ gắn kết kết cấu xã hội của các xã hội của chúng ta" và giúp xác định bản sắc cũng như những vấn đề liên quan của mỗi xã hội.
Do vậy, theo ông, sự hiểu biết và coi trọng các khía cạnh văn hóa của một xã hội là vấn đề thiết yếu nhằm áp dụng các đường lối phát triển phù hợp với bối cảnh địa phương cũng như đảm bảo sự thành công.
Cùng chung quan điểm trên tại phiên tranh luận còn có Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) Irina Bokova, Chủ tịch UNESCO Hạo Bình, Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc Taleb Rifai.
Ngày 6/6 tới, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc John Ashe sẽ tổ chức một sự kiện văn hóa và một buổi hòa nhạc với sự tham dự của đông đảo các nghệ sỹ và những nhân vật nổi tiếng trên toàn thế giới - những người mà tên tuổi, uy tín và tài năng của họ sẽ giúp nâng cao nhận thức về chương trình phát triển hậu 2015 cũng như các cam kết toàn cầu nhằm xóa bỏ đói nghèo.
Trong những năm gần đây, nhận thức về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển đã ngày càng được nâng cao. Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua ba nghị quyết về văn hóa và phát triển trong các năm 2010, 2011 và 2013.
Theo các số liệu gần đây, trong nghị quyết Khung Hỗ trợ Phát triển của Liên hợp quốc năm 2006, văn hóa chỉ được nhắc đến trong không đầy 30% nội dung, tuy nhiên, hiện nay con số này đã tăng lên hơn 70%.
Phiên họp trên của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra đồng thời với cuộc họp của Nhóm chuyên gia mở về Phát triển Bền vững, cũng tại trụ sở của Liên hợp quốc ở New York./.