Văn hóa súng đạn ở Mỹ và sự vào cuộc của các nhà phân phối

Với các quy định mới về mua bán vũ khí nóng trong hệ thống cửa hàng của mình, Dick’s Sporting Goods và Walmart đã nối dài danh sách doanh nghiệp đi đầu trong nỗ lực phòng ngừa các vụ xả súng.
Văn hóa súng đạn ở Mỹ và sự vào cuộc của các nhà phân phối ảnh 1Súng được bày bán tại cửa hàng ở El Cajon, Nam California. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Với các quy định mới về mua bán vũ khí nóng trong hệ thống cửa hàng của mình, Dick’s Sporting Goods và Walmart đã nối dài danh sách doanh nghiệp đi đầu trong nỗ lực phòng ngừa các vụ xả súng đẫm máu trong tương lai.

Theo giới chuyên gia, những bước đi này đã trực tiếp gia tăng sức ép đối với chính giới, vốn đang đứng giữa "ngã ba đường" giữa những khoản lợi nhuận không nhỏ từ buôn bán vũ khí trong nước với sinh mạng của người dân.

Trong một thông báo mới nhất, Dick’s Sporting Goods, một trong những hãng bán lẻ đồ thể thao và súng lớn nhất nước Mỹ, cho biết đã chấm dứt việc bán súng trường dạng tấn công tại các cửa hàng của mình. Ngoài ra, hãng này cũng sẽ không còn bán các ổ đạn lớn và súng cho khách hàng dưới 21 tuổi.

Ban lãnh đạo của hãng này bày tỏ hy vọng giới chức Mỹ sẽ thông qua những điều luật nhằm nâng tuổi tối thiểu được mua súng lên 21, cấm bán vũ khí loại tấn công và thiết bị giúp chuyển đổi súng bán tự động thành súng tự động có khả năng bắn nhanh.

Dick’s Sporting Goods cũng đề xuất cơ quan chức năng tiến hành cuộc kiểm tra trên diện rộng lai lịch những người sở hữu súng, trong đó xem xét cả thông tin về sức khỏe tâm thần và những cuộc tiếp xúc trước đây của những đối tượng này với giới chức luật pháp.


[Hãng bán lẻ súng hàng đầu nước Mỹ tuyên bố ngừng bán súng trường]

Tương tự, Walmart cũng điều chỉnh quy định bán súng đạn. Thêm nữa, Walmart cho biết gỡ bỏ hình ảnh về các loại súng trường tấn công, trong đó có đồ chơi và súng hơi hạng nhẹ không gây sát thương, trên trang bán hàng trực tuyến của mình.

Tuy nhiên, hãng nhấn mạnh những đối tượng khách hàng phù hợp như người chơi thể thao hay người đi săn vẫn được phép mua những loại vũ khí trên và mọi giao dịch sẽ được quản lý chặt chẽ.

Quy định về mua bán súng đạn mới của Walmart còn bao gồm việc ngừng bán thiết bị "độ súng" và các ổ đạn lớn, trong khi từ năm 2015 đã ngừng bán súng trường tấn công AR-15 - loại vũ khí mà hung thủ Nikolas Cruz sử dụng trong vụ xả súng tại Parkland, bang Florida.

Trước đó, các công ty khác, bao gồm các hãng hàng không, hãng bảo hiểm... đã tuyên bố chấm dứt các chương trình khuyến mãi cho các khách hàng là thành viên của Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ (NRA), tổ chức đầy quyền lực với 5 triệu thành viên có thể tác động tới các quyết sách liên quan tới kiểm soát súng đạn tại Mỹ.

Các ý kiến đánh giá tích cực những bước đi này của giới doanh nhân Mỹ, cho rằng chúng sẽ tác động tới các nghị sỹ Cộng hòa và Dân chủ và cho thấy một sự thay đổi trong nhận thức của xã hội Mỹ về văn hóa súng đạn và kiểm soát súng đạn. Cùng với đó là những chiến dịch tuần hành của giới học sinh, sinh viên và các tuyên truyền trên các mạng xã hội.

Trong bối cảnh nước Mỹ vừa trải qua những chấn động sau vụ xả súng tại trường học ở bang Florida 2 tuần trước, khiến 17 học sinh và nhân viên nhà trường thiệt mạng, những thông báo trên thể hiện một trong những quan điểm cứng rắn nhất của giới doanh nghiệp Mỹ trong cuộc tranh luận về kiểm soát súng trên toàn quốc.

Động thái này cũng có sức nặng đáng kể vì Dick’s Sporting Goods là một công ty bán súng danh tiếng tại Mỹ, trong khi Walmart là nhà bán lẻ lớn nhất thế giới.

Một cuộc thăm dò dư luận do Morning Consult thực hiện cho thấy người dân Mỹ đang ngày càng ủng hộ chính quyền siết chặt các quy định kiểm soát súng đạn khi có tới 2/3 số người được hỏi khẳng định cần phải có các biện pháp cứng rắn hơn.

Người dân Mỹ lên tiếng mạnh mẽ và các doanh nghiệp không thể hoàn toàn làm ngơ trước đòi hỏi chính đáng để không mất khách hàng. Không chỉ thế, các động thái này gia tăng sức ép lên chính giới - giới hành pháp (chính quyền của Tổng thống Donald Trump) và giới lập pháp (các nghị sỹ Cộng hòa và Dân chủ) cần có các bước đi phù hợp với lợi ích của cử tri.

Mỹ hiện là quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu súng cao nhất thế giới, với khoảng 310 triệu khẩu súng/326 triệu người, tỷ lệ tử vong do súng đạn tại Mỹ theo đó cũng rất cao.

Số liệu thống kê của Gun Violence Archive cho thấy tính từ 1/1/2017 đến 28/2/2018, nước Mỹ chứng kiến 61.537 vụ bạo lực liên quan tới súng, trong đó có 346 vụ xả súng hàng loạt, cướp đi sinh mạng của 15.594 người. Tỷ lệ các vụ xả súng tại các trường học với thủ phạm là học sinh, sinh viên ở mức cao. Người ta không khỏi rùng mình khi biết rằng những tên sát nhân đứng sau những vụ thảm sát gần đây nhất tại Parkland và Kentucky còn rất trẻ - mới chỉ 19 và 15 tuổi.

Hàng năm, bạo lực súng đạn ở Mỹ gây tổn thất trên 229 tỷ USD, trong đó gần 9 tỷ USD chi phí liên quan tới việc cầm tù dài hạn những người có khả năng tấn công và sát thương bằng súng, 221 tỷ USD để chữa trị, ổn định cuộc sống của các nạn nhân bị thương và mai táng những người thiệt mạng.

Mặc dù vậy, quyền sở hữu súng đã được quy định trong Hiến pháp Mỹ và Quốc hội xem việc sở hữu súng là một trong những quyền cơ bản của con người. Những ý kiến cực đoan cho rằng nước Mỹ là nơi nguy hiểm luôn rình rập và việc mang theo súng phòng vệ là điều cần thiết để bảo toàn mạng sống cho bản thân.

Buôn bán vũ khí đem lại những khoản lợi nhuận khổng lồ, các vụ bắn giết càng nhiều, số lượng súng đạn bán ra cũng theo đó mà tăng lên. Bởi vậy, việc quản lý sử dụng súng vẫn luôn là đề tài nóng, gây rất nhiều tranh cãi tại Quốc hội và chính trường Mỹ. Nhưng với những gì đang xảy ra và sự đồng hành của các nhà phân phối, chính giới Mỹ khó có thể tiếp tục làm ngơ với văn hóa súng đạn của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục