Văn học phải chấp nhận và thích ứng với quy luật thị trường

Viện trưởng Viện Văn học cho rằng dù là sản phẩm tinh thần, văn học vẫn phải chấp nhận và thích ứng với quy luật thị trường, giành thị phần trước sự bành trướng của kỹ thuật truyền thông hiện đại.
Văn học phải chấp nhận và thích ứng với quy luật thị trường ảnh 1Các tác phẩm về đề tài công an nhân dân được trưng bày tại trại sáng tác văn học về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống". (Ảnh : Nguyễn Văn Nhật/TTXVN)

Thực tiễn sáng tác văn học trong quá trình đổi mới và hội nhập được những người yêu văn học tập trung thảo luận tại hội thảo “Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới: Thực trạng và triển vọng” do Viện Văn học tổ chức ngày 28/5, tại Hà Nội.

Sáng tác văn học là lĩnh vực năng động nhất, dấu ấn đổi mới hiện lên rõ nét nhất. So với trước đây, thực tiễn sáng tác văn học thời kỳ đổi mới hiện diện và phát triển trong một không gian văn hóa mang hai đặc tính lớn của thời đại là đổi mới và hội nhập, với nhiều bứt phá theo hướng hiện đại.

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học nhận định, văn học thời kỳ đổi mới đạt được nhiều thành tựu quan trọng, gắn liền với sự đổi mới tư duy và tinh thần đối thoại, về chiều sâu nhận thức và ý thức đổi mới diễn ngôn nghệ thuật, về sự đa dạng của các khuynh hướng và giọng điệu.

Tuy nhiên, văn học thời kỳ này cũng còn nhiều hạn chế, trong đó đáng lo ngại nhất là xu hướng thương mại hóa, đơn giản trong miêu tả hiện thực, thiếu những kết tinh nghệ thuật tầm cỡ, văn hóa tranh luận còn nhiều vấn đề…

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng, văn học đổi mới như là một sự thức tỉnh, bước đầu đầy tính chất nửa vời của một lớp nhà văn trong “đội ngũ thống nhất” của các hội đoàn văn nghệ, hoặc chỉ liên quan đến những nhà văn có tham dự đời sống văn nghệ ở Việt Nam những năm 1985-1990. “Sự đổi mới nửa vời” của lớp nhà văn này biểu lộ rõ rệt nhất là về tổ chức.

Về lực lượng viết, tất cả các thế hệ nhà văn, bằng những nỗ lực khác nhau, đều có một điểm chung là sáng tạo vì sự phồn vinh nền văn nghệ dân tộc.

Sau năm 1995 và 2000, xuất hiện một thế hệ mới bên cạnh bốn, năm thế hệ cũ, đang đóng vai trò chủ lực cho giai đoạn mới và tương lai, với những đặc trưng riêng và những khoảng cách giữa họ với tất cả những thế hệ trước.

Tiến sỹ Nguyễn Đăng Điệp nhấn mạnh, các nhà văn trẻ, so với thế hệ trước, họ có nhiều ưu thế hơn về các phương diện như học vấn, trình độ cập nhật thông tin, khả năng tham dự giao lưu văn hóa toàn cầu, điều kiện xuất bản, nhưng họ lại thiếu sự trải nghiệm, sự say mê “ăn đời ở kiếp” với nghề…

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, dù là sản phẩm tinh thần, nhưng văn học vẫn phải chấp nhận và thích ứng với quy luật thị trường, với thời cuộc để giành lấy thị phần trước sự bành trướng của kỹ thuật truyền thông hiện đại. Đây là bài toán nan giải cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục