Vàng châu Á nối dài đợt tăng kỷ lục, dầu giảm, chứng khoán biến động trái chiều

Ngày 8/4, giá vàng nối dài đợt tăng kỷ lục trong khi giá dầu giảm hơn 1%, còn chứng khoán biến động trái chiều trên các thị trường châu Á.

Vàng được bày bán tại cửa hàng trang sức ở Yangon (Myanmar). (Ảnh: THX/TTXVN)
Vàng được bày bán tại cửa hàng trang sức ở Yangon (Myanmar). (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày giao dịch đầu tuần tại thị trường châu Á, giá vàng tiếp tục chuỗi tăng kỷ lục trong khi giá dầu giảm trong bối cảnh tình hình căng thẳng có dấu hiệu lắng dịu ở Trung Đông; còn chứng khoán biến động trái chiều khi các nhà giao dịch cân nhắc khả năng Fed cắt giảm lãi suất năm nay.

Giá vàng nối dài đợt tăng kỷ lục

Trong phiên giao dịch chiều 8/4, giá vàng tại thị trường châu Á nối dài đợt tăng kỷ lục, nhờ hoạt động mua đầu cơ và tình hình căng thẳng dai dẳng tại Trung Đông.

Vào lúc 13h46, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 2.335,73 USD/ounce, sau khi có lúc vọt lên mức cao kỷ lục 2.353,79 USD/ounce vào đầu phiên này.

Ông Kyle Rodda, nhà phân tích thị trường của sàn giao dịch kim loại quý và hàng hóa Capital.com cho rằng có những dấu hiệu cho thấy thị trường đang lạc quan quá mức về triển vọng của vàng ở mức hiện tại.

Bên cạnh đó, theo ông Rodda, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông có thể là một động lực khác cho giá vàng.

Hoạt động mua vào mạnh mẽ của ngân hàng trung ương, dòng vốn đổ vào các tài sản an toàn giữa bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng và nhu cầu từ các quỹ đã thúc đẩy giá vàng tăng 12% từ đầu năm đến nay.

Trong khi đó, tăng trưởng việc làm của Mỹ đã vượt qua kỳ vọng trong tháng Ba. Đây là dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ khép lại quý 1 năm 2024 trên nền tảng vững chắc.

Do đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng trì hoãn việc cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Ngân hàng UBS đã nâng dự báo cuối năm đối với giá vàng lên 2.250 USD/ounce, nhờ nhu cầu vững chắc hơn và hoạt động mua vào của các quỹ ETF.

Theo ngân hàng này, lượng vàng do các quỹ ETF nắm giữ sẽ tăng lên khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào khoảng giữa năm nay.

Tại Việt Nam, chiều 8/4, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 80,40-82,42 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Giá dầu giảm hơn 1% khi căng thẳng Trung Đông dịu bớt

Trong phiên 8/4, giá dầu châu Á đã giảm hơn 1 USD/thùng, với giá dầu Brent giảm xuống dưới 90 USD/thùng, khi tình hình căng thẳng tại Trung Đông có dấu hiệu giảm bớt.

Vào lúc 13h15 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 1,48 USD (1,6%) xuống 89,69 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giảm 1,37 USD (1,5%) xuống 85,54 USD/thùng.

gia dau_trung quoc.jpg
Giếng dầu ở Bàn Cẩm, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) ngày 1/1/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Sáng 8/4, kênh truyền hình nhà nước Al-Qahera News của Ai Cập đưa tin đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza đã đạt được tiến triển.

Kênh trên dẫn lời một quan chức cấp cao của Ai Cập cho biết các bên tham gia đàm phán đã đạt được sự nhất trí về những điểm cơ bản.

Căng thẳng tại Trung Đông đã khiến giá dầu tăng hơn 4% vào tuần trước do lo ngại gián đoạn nguồn cung.

Quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, Saudi Arabia, đã tăng giá bán chính thức cho tất cả các loại dầu thô xuất sang châu Á trong tháng Năm, đúng như dự đoán, sau khi nguồn cung dầu nặng thắt chặt.

Tuy nhiên, các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs vẫn dự báo giá dầu Brent sẽ ở dưới 100 USD/thùng trong kịch bản nhu cầu vững chắc, không có tác động địa chính trị mới đối với nguồn cung dầu và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh tăng sản lượng trong quý 3.

Chứng khoán châu Á biến động trái chiều

Trong phiên giao dịch chiều 8/4, các thị trường châu Á biến động trái chiều, khi các nhà giao dịch cân nhắc khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong năm nay sau khi báo cáo việc làm của Mỹ làm giảm hy vọng về đợt hạ lãi suất đầu tiên vào tháng Sáu.

Chốt phiên này, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) tăng 0,9% lên 39.347,04 điểm. Cùng đà tăng, tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 8,93 điểm (0,05%) lên 16,723.85 điểm.

Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,7% xuống 3.047,05 điểm.

chi so nikkei.jpg
Chỉ số Nikkei-225 trên bảng điện tử tại Osaka (Nhật Bản), ngày 22/2/2024. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Số liệu việc làm của Mỹ đã tăng vượt kỳ vọng trong tháng 3/2024 và tiền lương tăng ở mức ổn định, cho thấy nền kinh tế Mỹ đã kết thúc quý đầu tiên của năm 2024 với nền tảng vững chắc và có khả năng đợt cắt giảm lãi suất dự kiến của Fed trong năm nay sẽ bị trì hoãn.

Cơ quan Thống kê Lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ cho biết số lượng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã tăng thêm 303.000 trong tháng 3/2024, cao hơn so với mức dự báo 200.000 việc làm mới của các nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Anh Reuters.

Sau số liệu trên, ba chỉ số chính trên Phố Wall đều tăng điểm trong phiên cuối tuần trước, khi các nhà đầu tư tập trung vào những mặt tích cực của nền kinh tế thay vì những tác động của chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cảnh báo rằng các số liệu kinh tế mới có thể ngăn cản Fed cắt giảm lãi suất ba lần trong năm 2024.

Hiện các nhà giao dịch đang chờ đợi biên bản cuộc họp gần đây nhất của Fed như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới nhất được công bố trong tuần này.

Hiện nay, có một số người đồn đoán rằng Fed thậm chí sẽ không thể cắt giảm lãi suất ba lần trong năm nay.

Chuyên gia Erik F. Nielsen tại tập đoàn ngân hàng-tài chính quốc tế UniCredit Group nhận định dựa trên dữ liệu kinh tế hiện có, Fed có thể dễ dàng chỉ cắt giảm lãi suất một lần trong năm nay.

Tại thị trường trong nước, chiều 8/4 chỉ số VN-Index giảm 4,76 điểm (0,38%) xuống 1.250,35 điểm; HNX-Index giảm 1,6 điểm (0,67%) xuống 238,08 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục