VBF 2024: Kiến nghị bốn vấn đề cấp bách trong lĩnh vực thuế và hải quan

Nhóm Công tác Thuế và Hải quan của VBF cho biết việc áp dụng các quy định, chính sách vẫn còn tồn tại một số bất cập, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Toàn cảnh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), ngày 19/3. (Ảnh: Vietnam+)
Toàn cảnh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), ngày 19/3. (Ảnh: Vietnam+)

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), ngày 19/3, đại diện Nhóm Công tác Thuế và Hải quan của VBF cho biết hiện có 4 vấn đề mang tính cấp bách liên quan đến lĩnh vực thuế cần giải quyết.

Cần đẩy nhanh tiến độ xét duyệt APA

Theo ông Seck Yee Chung, đại diện Nhóm Công tác Thuế và Hải quan của VBF, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp như ban hành mới và sửa đổi văn bản pháp luật, quy định các gói hỗ trợ đầu tư để từng bước tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp có niềm tin và nguồn lực để đối phó với tình hình mới.

Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định, chính sách vẫn còn tồn tại một số bất cập, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Một số quy định trong các văn bản vẫn còn mâu thuẫn nhau, gây khó khăn trong quá trình áp dụng, cản trở quá trình đầu tư thông suốt của doanh nghiệp.

Cụ thể, theo ông Seck Yee Chung, việc thực hiện cơ chế Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) - xu thế chung của các nước nhằm áp dụng hiệu quả việc quản lý nguồn thu từ các giao dịch xuyên biên giới đồng thời mang lại lợi ích cho người nộp thuế, còn chậm trễ. Sau 11 năm thực hiện, số lượng hồ sơ APA được các người nộp thuế nộp lên Tổng Cục thuế đạt khoảng 30 bộ, nhưng đến nay chưa có hồ sơ nào được phê duyệt. Việc này gây ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và tiêu tốn thời gian, công sức theo đuổi của người nộp thuế trong bối cảnh khung pháp lý đã ban hành và đã có nhiều thông lệ tốt trên thế giới.

Tại các nước láng giềng, ông Seck Yee Chung chia sẻ Hàn Quốc đã thông qua 240 bộ hồ sơ APA trong vòng 5 năm, Trung Quốc đã ký kết 260 hồ sơ, Singapore và Indonesia ký kết lần lượt 69 và 29 bộ hồ sơ APA đến hết năm 2022.

Để chính sách từ văn bản đi vào thực tế, Nhóm Công tác Thuế và Hải quan kiến nghị Chính phủ bố trí giải quyết các hạn chế nêu trên và thành lập Tổ công tác đặc biệt để thúc đẩy việc giải quyết, đàm phán và ký kết các hồ sơ APA. Điều này nhằm hiện thực hóa cam kết xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây là cơ sở để đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư nước ngoài đóng góp tích cực vào nền kinh tế Việt Nam.

Mở rộng diện ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ đầu tư

Thứ hai, ông Seck Yee Chung đề cập đến Dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư, trong đó quy định đối tượng ưu đãi còn quá hẹp. Cụ thể, điều kiện về quy mô vốn hoặc doanh thu rất cao, dẫn đến chỉ có số lượng rất ít doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao có thể đạt được. Mặt khác, đối tượng của chính sách chưa bao gồm đầy đủ nhóm các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao hay các nhà đầu tư chiến lược.

Vì vậy, Nhóm công tác Thuế và Hải quan kiến nghị bổ sung đối tượng doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghệ cao (tập đoàn lớn có quy mô đầu tư ở Việt Nam từ 20.000 tỷ đồng hoặc từ 1 tỷ USD trở lên) và các doanh nghiệp/dự án trong các lĩnh vực sản xuất khác có tổng vốn đầu tư như trên.

Không phân biệt đối xử về thủ tục hải quan

Thứ ba, ông Seck Yee Chung cho biết gần đây Tổng Cục Hải quan tiếp tục đề xuất chỉ cho phép thương nhân nước ngoài (không có hiện diện tại Việt Nam) được thực hiện thủ tục hải quan liên quan đến giao dịch mua bán, phân phối hàng hóa tại Việt Nam. Theo đánh giá của Tổ Công tác Thuế và Hải quan, chính sách này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng như hạn chế nguồn thu cho ngân sách.

vna_potal_ky_niem_74_nam_cach_mang_thang_tam_va_quoc_khanh_2-9_phat_huy_tinh_than_cach_mang_thang_tam_day_manh_toan_dien_cong_cuoc_doi_moi_x_152145365_4042990.jpg
Pháp luật thương mại hiện hành cũng không cấm các thương nhân này thực hiện giao dịch mua bán, phân phối hàng hóa tại Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Seck Yee Chung nhấn mạnh pháp luật thương mại hiện hành không cấm các thương nhân này thực hiện giao dịch mua bán, phân phối hàng hóa tại Việt Nam. Chính vì vậy, Nhóm Công tác Thuế và Hải quan kiến nghị không nên phân biệt đối xử với đối tượng này mà cần áp dụng đồng nhất và thực hiện quản lý thông qua quy định về các điều kiện kinh doanh, chế độ báo cáo, quản lý thuế để khuyến khích thương nhân nước ngoài tăng cường đầu tư và hiện diện thương mại tại Việt Nam.

Làm rõ đối tượng phải xin giấy phép XNK

Cuối cùng, ông Seck Yee Chung nêu dẫn Nghị Định 90/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 5 năm 2007 của Chính Phủ, thương nhân nước ngoài phải có Giấy phép quyền nhập khẩu, quyền xuất khẩu thì mới được thực hiện hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ nội địa vào kho ngoại quan/nhập khẩu hàng hóa từ kho ngoại quan vào nội địa hoặc xuất nhập khẩu tại chỗ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khi nộp hồ sơ xin giấy phép lên Bộ Công Thương song sau 2 năm vẫn chưa được xử lý.

Do đó, Nhóm Công tác Thuế và Hải quan cũng kiến nghị các cấp quản lý cần thiết phải làm rõ trường hợp nào cần xin Giấy phép cho quyền nhập khẩu, xuất khẩu của thương nhân nước ngoài và bổ sung hướng dẫn rõ ràng quy trình, thời gian cụ thể để thúc đẩy quá trình cấp giấy phép cho các doanh nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục