Về Bắc Giang, ghé thăm danh lam cổ tự Bổ Đà với vườn tháp lớn nhất cả nước

Với những giá trị lịch sử-văn hóa và những hiện vật quý được lưu giữ tại chùa, Chùa Bổ Đà được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia năm 1992 và Di tích Quốc gia Đặc biệt năm 2016.

Toàn cảnh chùa Bổ Đà nhìn từ trên cao. (Nguồn: Vietnam+)
Toàn cảnh chùa Bổ Đà nhìn từ trên cao. (Nguồn: Vietnam+)

“Bốn bề phong cảnh lạ thay
Bồng lai kia cũng thế này mà thôi”

Hay “Bắc Bổ Đà, Nam Hương Tích"

Đây là những câu nói truyền miệng trong dân gian về vẻ đẹp cũng như giá trị lịch sử-văn hóa của chùa Bổ Đà - nơi được coi là một trong hai đạo tràng Quán Thế Âm lớn ở miền Bắc nước ta.

Chùa Bổ Đà (Tứ Ân tự) còn có tên là chùa Quan Âm, thường được người dân trong vùng gọi tắt là chùa Bổ, nằm ở phía Bắc chân núi Phượng Hoàng thuộc thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của thiền phái Trúc Lâm.

Chùa được xây dựng từ thời Lý, khoảng thế kỷ XI và được trùng tu lại vào thời vua Lê Trung Hưng.

Chùa có diện tích khoảng 51.784m2 được phân ra làm ba khu rõ rệt. Khu vườn 31.000m2, khu nội tự chùa 13.000m2 và khu vườn tháp rộng 7.784m2.

Trải qua những biến thiên của lịch sử, nhưng đến nay chùa Bổ Đà vẫn còn bảo lưu được khá nguyên vẹn những nét kiến trúc truyền thống Việt Cổ cũng như nhiều tài liệu, hiện vật, cổ vật quý có giá trị lớn về mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc và mỹ thuật.

Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc "nội thông ngoại bế" tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng. Với hệ thống bố cục kiến trúc hài hòa được xây dựng bằng các vật liệu như gạch nung, ngói, tiểu sành và hệ thống tường bao được làm bằng đất rất độc đáo.

Các bức tường, cổng và một số công trình khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối trình tường. Cổng vào chùa nền lát đá muối có kích thước to nhỏ khác nhau, xây theo kiến trúc thời Nguyễn mang dáng dấp gác chuông.

Điểm đặc biệt ở đây là nhiều bức tường được xây bằng tiểu sành giống như làng Thổ Hà, nơi chuyên sản xuất gốm, chum vại, tiểu sành một thời cách đó vài cây số, tạo vẻ rất trầm mặc, gần gũi với vùng thôn quê ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Vào trong khu nội tự chùa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng không gian kiến trúc chùa Việt Cổ với gần một trăm gian liên hoàn tạo nên một nét rất độc đáo và cổ kính.

1512boda4-217.jpg
Khu vườn tháp ở chùa Bổ Đà. (Nguồn: Vietnam+)

Chùa Bổ Đà còn có khu vườn tháp rất rộng lớn, đây là nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của các tăng ni dòng thiền Lâm Tế, vườn nằm ở bên trái khu Nội tự và Vườn chùa. Đó là bãi đất nằm nghiêng theo độ cao của núi Bổ Đà có diện tích gần 8.000m2.

Bao quanh vườn tháp nhà chùa đã dùng đá núi, gạch chỉ và đất tạo nên bức trường để giữ gìn yên tĩnh giấc ngủ ngàn thu cho các những nhà tu hành đắc đạo. Vườn tháp chùa Bổ Đà vẫn còn nguyên vẹn, được đánh giá là đẹp và lớn nhất Việt Nam. Vườn tháp được xây dựng theo những quy định riêng và rất chặt chẽ của thiền môn mà không một nơi nào có.

Qua gần ba trăm năm hưng thịnh, và kể từ khi sư tổ có tên tục là Phạm Kim Hưng viên tịch đến nay, sơn môn Bổ Đà đã xây dựng tất cả 107 ngôi tháp lớn nhỏ xếp hàng hàng, lớp lớp với nhiều kiểu loại khác nhau. Trong vườn tháp, du khách thấy đa số là những ngôi tháp ba, bốn tầng với độ cao từ ba đến năm mét, riêng mấy ngôi tháp sư tổ thì đồ sộ cao rộng hơn nữa. Tàng chứa trong 107 ngôi tháp cổ là mộ, xá lị, tro cốt của trên 1.218 nhà sư tu hành đắc đạo của dòng thiền phái Lâm Tế khắp nơi trên cả nước.

Chùa Bổ Đà từ khi hình thành đã sớm trở thành một sơn môn đào tạo các tăng, ni trong vùng thuộc xứ Kinh Bắc xưa. Điểm nổi bật ở đây là còn lưu giữ được rất nhiều tư liệu, hiện vật quý về Phật giáo (Thiền phái Lâm Tế) đó là gần 2000 bộ mộc bản kinh phật.

ttxvn-1512boda2-5458.jpg
Tấm mộc bản lớn nhất có khổ 150x30x2,5 cm tại chùa Bổ Đà. (Nguồn: TTXVN)

Bộ kinh được hình thành xuất phát từ ý tưởng của các vị tổ sư, đồng thời cũng là những người xây dựng ra ngôi chùa, muốn có một bộ kinh để truyền dạy đạo Phật, đồng thời là một di vật Phật học đặc biệt để lại cho đời sau. Bộ kinh mang những tư tưởng của hai dòng Phật giáo lớn nhất Châu Á xưa là Ấn Độ và Trung Hoa. Toàn bộ số mộc bản kinh phật được xếp ngay ngắn trên 8 giá gỗ được đặt trong khuôn viên chùa.

Bộ kinh Phật trên được khắc vào năm 1740, đời vua Lê Cảnh Hưng. Hầu hết các ván kinh trong kho mộc bản tại chùa Bổ Đà đều dài 50cm-60cm, rộng 25- 30cm và dày 2,5cm cũng có cả những ván kinh khổ rất lớn 150x30x2,5. Các ván kinh được khắc bằng cả chữ Hán chữ Nôm và chữ Phạn.

Trải qua gần 300 năm, bộ kinh hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Đặc biệt là những tấm gỗ thị dùng để khắc kinh đều rất bền, đẹp, không bị mối mọt, dù không dùng một loại thuốc bảo quản nào.

Trên những tấm kinh, các nghệ nhân xưa còn trang trí thêm nhiều đường nét họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng, triết lý sâu xa của đạo Phật. Nổi bật trong số đó là các hình khắc Đức Phật Tổ Như Lai, Quan Thế Âm Bồ Tát, các vị La Hán… Đó là những di vật Phật học đặc biệt quý giá và độc đáo.

Với những giá trị lịch sử-văn hóa, những hiện vật quý được lưu giữ tại Chùa Bổ Đà, năm 1992, Chùa Bổ Đà được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Năm 2016, chùa được công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt.

Ngày 07/5/2016, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã ghi nhận và xác lập Chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là “ Ngôi chùa có vườn tháp lớn nhất Việt Nam” và “ Bộ mộc bản kinh phật của thiền phái Lâm Tế khắc trên gỗ thị cổ nhất”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục