Giáo dục nghề nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức trong bối cảnh thị trường lao động và việc làm biến động nhanh chóng, khó lường. Đặc biệt dưới sự tác động của cách mạng khoa học kỹ thuật, đổi mới giáo dục nghề nghiệp là yếu tố quan trọng bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Giáo dục năm 2019 với chủ đề "Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế" do Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 20/9 tại Hà Nội.
Sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp
Việc lựa chọn chủ đề Hội thảo năm 2019 là "Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế" có ý nghĩa lấy hoạt động hoạch định chính sách tạo tiền đề quan trọng để hoàn thiện thể chế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, Đảng, Nhà nước ta luôn coi "phát triển giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu", "đầu tư giáo dục là đầu tư phát triển". Trong hơn 30 năm đổi mới, sự nghiệp giáo dục-đào tạo Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước hội nhập tích cực theo xu thế phát triển của khu vực và thế giới. Giáo dục nghề nghiệp có đóng góp quan trọng trong sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, trong bối cảnh hiện nay, trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học-công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế ho vừa là thời cơ, vừa là thách thức. Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, còn đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập quốc tế.
[Việt Nam cần làm gì để thu hút nguồn vốn FDI thế hệ mới?]
Ủy ban Thường vụ Quốc hội mong muốn từ hội thảo, các đại biểu sẽ có cái nhìn tổng thể, khái quát, rõ nét về thực trạng giáo dục nghề nghiệp hiện nay; phân tích nguyên nhân của thành công cũng như tồn tại; đề xuất nhiều giải pháp phù hợp, khả thi, thiết thực, hiệu quả cho việc phát triển giáo dục nghề nghiệp nước ta trong giai đoạn tới. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, kết quả hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn cho Quốc hội trong việc thực hiện chức năng giám sát, quyết định chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp.
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 6/2019, cả nước có 1.917 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 400 trường cao đẳng, 492 trường trung cấp, 1.025 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giảm 37 cơ sở so với năm 2018. Ước tính đến hết năm 2019 sẽ còn 1.904 cơ sở, trong đó các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập giảm 4,92% so với năm 2018.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 theo hướng phân tầng: Tầng cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao được Nhà nước đầu tư trọng điểm; Tầng cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ gắn với đặt hàng của Nhà nước và doanh nghiệp; Tầng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đặc thù được Nhà nước đầu tư, giao kinh phí hoạt động thường xuyên theo Đề án phát triển và nâng cao chất lượng đã được phê duyệt.
Tận dụng thời cơ phát triển
Theo nhiều đại biểu, Việt Nam đã, đang tham gia sâu vào quá trình hội nhập khu vực và quốc tế. Cùng với các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) giữa các nước ASEAN về tiêu chuẩn, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp... và dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức cho kinh tế Việt Nam nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng.
Để góp phần phát triển giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn tiếp theo, các chuyên gia cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; sớm đề xuất chính sách, đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành, nghề; trình độ đào tạo chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng.
Ông Phan Thanh Bình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết qua giám sát, Ủy ban nhận thấy có ba vấn đề mấu chốt trong giáo dục nghề nghiệp gồm: Hệ thống cơ chế, chính sách; Chất lượng và điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sẽ có nhiều cơ hội trong việc hợp tác, trao đổi nâng cao trình độ; có thêm nhiều nguồn lực đầu tư nước ngoài. Từ đó, người học có nhiều cơ hội trong học tập, tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến, văn bằng, chứng chỉ được công nhận ở các nước trong khu vực và thế giới...
Muốn tận dụng được các thời cơ phát triển giáo dục nghề nghiệp, các chuyên gia kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng cơ chế, giải pháp hữu hiệu đẩy mạnh phân luồng, tạo ra sự cân đối tương đối hợp lý cung- cầu trong đào tạo các trình độ và nhu cầu sử dụng; sớm ban hành nghị định tự chủ trong giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, cần thúc đẩy xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh hình thức vừa làm, vừa học của người lao động trong các doanh nghiệp./.
Năm 2017-2018, giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh được 2,2 triệu người/năm. Trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 540.000 người/năm, trình độ sơ cấp và các chương trình ngắn hạn khoảng 1,6 triệu người/năm.