Vén bí mật Triều Tiên

Vén bức màn bí mật về Triều Tiên qua Google Map

Google Map đã công bố bản đồ chi tiết đầu tiên về Triều Tiên, qua đó cho thấy một số địa điểm nhạy cảm của đất nước bí mật này.
Vài tuần sau khi chủ tịch Google Eric Schmidt có chuyến viếng thăm bí mật tới CHDCND Triều Tiên, Google đã công bố một bản đồ chi tiết về quốc gia bị cô lập này và thậm chí còn có thông tin về một số địa điểm nhạy cảm nằm ở khu vực biệt lập của Triều Tiên. Cho tới nay, Triều Tiên vẫn là một bức màn màu đen với phần lớn người dùng dịch vụ "Map Maker" của Google, vốn tạo nên các bản đồ từ dữ liệu do công chúng cung cấp và được kiểm tra nhanh bởi một quy trình xử lý tương tự với mạng từ điển bách khoa trực tuyến Wikipedia. [Giải mã việc ông chủ Google sang thăm Triều Tiên] "Trong một thời gian dài, một trong những khu vực lớn nhất nhưng hạn chế về thông tin bản đồ là Triều Tiên. Nhưng ngày hôm nay, chúng tôi đang thay đổi điều đó" - Jayanth Mysore, một giám đốc sản phẩm cao cấp tại Google Map Maker nói trên trang blog của mình. Mysore cho biết khu vực bản đồ Triều Tiên đã hoàn tất nhờ sự giúp đỡ của "một cộng đồng những người chuyên vẽ bản đồ" và nhóm đã làm việc trong vòng vài năm trời. "Bên cạnh nhiều người trên thế giới đã say mê Triều Tiên, những bản đồ này còn đóng vai trò quan trọng trong với các công dân Hàn Quốc, những người còn có họ hàng lâu đời hoặc thậm chí là gia đình họ vẫn sống ở đó" - ông nói. Do 2 miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật, các bản đồ chất lượng về Triều Tiên sẽ gần như không thể xuất hiện ở Hàn Quốc. Tuy nhiên điều trớ trêu là những người thu lợi ít nhất từ sản phẩm bản đồ mới của Google lại chính là người dân Triều Tiên, hiện đang sống tại một trong những xã hội bị cô lập và kiểm duyệt cao nhất trên hành tinh. Triều Tiên có một mạng Intranet nội địa, nhưng nó bị cắt đứt kết nối với thế giới và chỉ cho phép một lượng hạn chế người được trao đổi các thông tin do nhà nước phê chuẩn. Việc tiếp cận đầy đủ với Internet chỉ dành cho tầng lớp lãnh đạo, tương đương với khoảng vài trăm người hoặc nhiều nhất là 1.000 người, theo ước tính của các chuyên gia. Phiên bản bản đồ của Google đã bao gồm hình ảnh chi tiết về thủ đô Bình Nhưỡng, cho thấy các bệnh viện, điểm dừng tàu điện ngầm, trường học. Bên ngoài thủ đô, thông tin trở nên ít dần. Đáng chú ý nhất là trên toàn cảnh bản đồ có các khu vực với kích cỡ bằng cả một thành phố nằm trong màu xám. Khi phóng to vào đây, người ta sẽ biết được rằng chúng là các trại cải tạo lao động. Có tới 200.000 người được cho là đã bị bắt giam trong hệ thống trại cải tạo lao đôn của Triều Tiên. Nhiều người bị trừng phạt chỉ vì có quan hệ với ai đó bị xem là kẻ thù của nhà nước. Google đã giúp hé lộ ánh sáng về địa điểm của các trại cải tạo này trước đây, thông qua dịch vụ hình ảnh vệ tinh Google Earth. Các nhóm và cá nhân hoạt động nhân quyền đang nghiên cứu về Triều Tiên đã sử dụng hình ảnh vệ tinh để xác nhận vị trí của các trại cải tạo đã được biết cho tới nay và còn khám phá ra sự tồn tại của các khu trại mới. Việc công bố bản đồ Triều Tiên diễn ra chỉ vài tuần sau khi Schmidt trở về từ một chuyến đi gây tranh cãi tới Bình Nhưỡng, trong khuôn khổ một nhiệm vụ nhân đạo của Mỹ. Khi trở về, Schmidt cho biết ông đã nói với các quan chức Triều Tiên rằng đất nước này sẽ không bao giờ phát triển, trừ phi họ đón nhận sự tự do Internet. Chuyến đi của Schmidt đã bị Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích. Cơ quan này nói rằng chuyến đi đã diễn ra trong thời điểm xấu, sau khi Triều Tiên mới tiến hành vụ phóng vệ tinh bị phương Tây lên án gần đây. Trong khi đó, giới chức Hàn Quốc đã hoan nghênh sáng kiến bản đồ của Google Map. "Chúng tôi nghĩ rằng đây có thể là một cơ hội để thế giới hiểu thêm về Triều Tiên và là cơ hội để Triều Tiên cởi mở hơn nữa" - một phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói.
Vén bức màn bí mật về Triều Tiên qua Google Map ảnh 1
Một số người Hàn Quốc cũng ca ngợi dịch vụ bản đồ, như Mysore, người có gốc rễ gia đình ở Triều Tiên. "Dịch vụ này nghe có vẻ rất tuyệt. Tôi sẽ rất vui khi được thấy bản đồ quê nhà của mình" - Lee Nak-Ye, người lãnh đạo một hiệp hội những người Triều Tiên đã chuyển từ Triều Tiên sang sống ở Hàn Quốc. Lee, 80 tuổi, đã rời nhà ở thành phố cảng Hamhung khi cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 nổ ra. Giờ ông chỉ còn biết mơ về việc đoàn tụ với các nhân nhân bị bỏ lại ở quê hương. "Tôi sẽ nói với các bạn bè trong hiệp hội về chuyện này" - Lee nói - "Nhưng phần lớn trong số họ đã quá già để có thể học cách sử dụng Internet"./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục