Whitmore (hay còn gọi là bệnh melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên.
Whitmore từng được coi là căn bệnh truyền nhiễm bị lãng quên do số mắc rất ít trong khoảng 50 năm qua. Việt Nam từng là điểm nóng của dịch bệnh này thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
[2 trẻ chết do bệnh Whitmore: Hà Nội điều tra kỹ các yếu tố dịch tễ]
Nhưng trong một năm gần đây bệnh có dấu hiệu gia tăng. Tại Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận trên 20 bệnh nhân mắc bệnh này. Đáng lưu ý hơn, một gia đình tại Hà Nội vừa có hai trẻ tử vong cùng do bệnh Whitmore.
Vi khuẩn gây bệnh Whitmore tồn tại ở đâu và cách phòng bệnh hiệu quả như thế nào, phóng viên đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư Trần Minh Điển - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
- Vừa qua, 2 đứa con nhỏ của vợ chồng anh T.V.C và chị T.T.N.Q, trú tại xã Bắc Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội đã tử vong vì cùng chung kết quả dương tính với vi khuẩn gây bệnh Whitmore. Phó giáo sư có thể nói rõ hơn về 2 trường hợp này khi nhập viện?
Phó giáo sư Trần Minh Điển: Trong hơn một tháng vừa qua, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 2 trẻ đến từ Sóc Sơn, Hà Nội, sau đó trẻ đều tử vong vì bệnh Whitmore.
Cháu bé đầu tiên chúng tôi phát hiện có nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, chúng ta thường gọi là bệnh Whitmore. Bé này diễn biến bệnh nhanh và bé tử vong do có tình trạng sốc nhiễm khuẩn. Sau đó, chúng tôi đã thông báo đến Sở Y tế Hà Nội, trung tâm dịch tễ của Hà Nội để có sự xem xét các vùng dịch tễ ở đó.
Rất tiếc, cách đây 5 ngày, bé tiếp theo của gia đình trên nhập viện, khi đó bé trong tình trạng nhẹ, triệu chứng chủ yếu trong tình trạng sốt. Các bác sỹ đã cấy máu, sử dụng kháng sinh mạnh. Trẻ có đáp ứng trong vòng ba ngày với kháng sinh, chơi ngoan hơn. Nhưng sau đó trẻ lại rơi vào tình trạng sốt trở lại, rét run trở lại, có tình trạng chảy máu, xuất huyết kèm theo. Chúng tôi cũng xác định đây là một trường hợp nhiễm Whitmore.
Phó giáo sư Trần Minh Điển nói về bệnh Whitmore:
Trường hợp cháu bé đầu tiên của gia đình trước đó cũng đã điều trị và tử vong ở Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn với bệnh cảnh cũng là tình trạng sốt.
Với tất cả tình trạng trên, chúng tôi đã gọi và thông báo tới Trung tâm Y tế Dự phòng của Hà Nội. Qua đó, chúng tôi được biết ngay từ khi bé đầu tiên của gia đình anh C. tử vong họ đã xuống xem xét lại toàn bộ môi trường của gia đình và môi trường sống xung quanh các bé để có thể xem xét, hỗ trợ tư vấn cùng với gia đình nhằm loại trừ được những nguồn vi khuẩn này hay không.
Vi khuẩn ở chung quanh con người
- Thưa phó giáo sư, với việc trong cùng một gia đình có 2 trẻ cùng mắc bệnh đó, liệu chúng ta có nghĩ tới có yếu tố gì bất thường ở bệnh này không hay tại môi trường sống...?
Phó giáo sư Trần Minh Điển: Với một cá thể hộ gia đình như vậy chúng ta phải xem xét đặc tính của những người trong gia đình đó. Chẳng hạn như, trong trường hợp này chúng tôi lo ngại thêm các cháu có tình trạng suy giảm miễn dịch hay không.
Với cháu bé 19 tháng tuổi mất trong tuần vừa rồi, chúng tôi cũng đã kiểm tra các miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào, kể cả chức năng của bạch cầu hạt, tức chức năng của bạch cầu chống đỡ với vi khuẩn đó. Kết quả kiểm tra của cháu bé gần đây đều trong giới hạn bình thường. Điều đó cho thấy, cá thể chúng ta nói đến cơ thể có những đáp ứng miễn dịch bình thường, với những xét nghiệm sâu hơn thì chúng tôi chưa có điều kiện để tiến hành.
Còn một vấn đề nữa là xem xét thói quen sinh hoạt trong gia đình đó như thế nào, cách thức trẻ bị xây xước, thói quen gia đình vệ sinh vết xước đó của em bé như thế nào. Bên cạnh đó là cách thức ăn uống, cách thức tắm giặt của gia đình đó ra sao...
- Sự việc liên tiếp 2 trẻ có kết quả đã xác định tử vong do mắc bệnh Whitmore khiến nhiều gia đình có trẻ nhỏ cảm thấy lo sợ. Ông có khuyến cáo gì?
Phó giáo sư Trần Minh Điển: Thực tế vi khuẩn gây ra bệnh Whitmore có ở tất cả xung quanh chúng ta. Chúng ở môi trường bùn đất và luôn luôn sẵn sàng tấn công con người. Burkholderia pseudomallei là vi khuẩn sống trong đất, vì thế con đường lây nhiễm chính của bệnh là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có vi khuẩn.
Vì vậy, người dân cần biết cách vệ sinh, ăn chín uống nước sôi và khi có điều kiện tắm, sử dụng nước máy thì nước đó đã được tiệt trùng một phần. Đặc biệt, với vùng khó khăn không có điều kiện tiệt trùng thì phải tìm hiểu xem nguồn nước ở đâu, có sạch hay không...
Hiện tại thì theo như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thì chưa có gia đình nào rơi vào tình trạng kể trên. Đây là vấn đề mà chúng ta vẫn cần phải điều tra, phải xem xét để hỗ trợ để gia đình nọ cắt được nguồn lây nhiễm.
- Xin trân trọng cảm ơn phó giáo sư./.