Vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn ở mức cao

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, vấn đề ô nhiễm vi sinh vật và thuốc hóa chất trong nông nghiệp vẫn ở mức cao.
Kết quả chương trình giám sát của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho thấy ô nhiễm vi sinh vật và thuốc hóa chất trong thịt gia súc, gia cầm và độ vi phạm trong sản xuất kinh doanh của các cơ sở vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao.

Cụ thể, tại các tỉnh miền Bắc, có đến 4/54 mẫu thịt gà phát hiện Campylobacter spp chiếm 7,4% số mẫu kiểm tra và có 2/40 mẫu chiếm 5% và 4/40 mẫu chiếm 10% dương tính lần lượt với hai chất cấm Chloramphenicol và Furazolidon; đặc biệt có đến 4/40 mẫu phát hiện Tetracycline vượt giới hạn dư lượng tối đa cho phép.

Thông tin trên vừa được cho biết tại cuộc họp giao ban tổng kết công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn nông lâm thủy sản tháng 8 và kế hoạch tháng 9 năm 2013, vừa diễn ra sáng nay (6/9) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, hiện nay Cục đang ra sức đẩy mạnh triển khai các chương trình giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm đồng thời tiến hành kiểm tra phân loại, tổ chức tái kiểm tra các cơ sở xếp loại C và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

[Đồng Nai: Nhiều cơ sở giết mổ không đảm bảo vệ sinh]

Tuy nhiên, ông Tiệp cho biết, tính đến ngày 30/8 có 19 tỉnh gửi báo cáo về Cục theo quy định, trong đó có 13/19 tỉnh bao cáo kết quả triển khai Thông tư 14, cho thấy: 8/13 tỉnh triển khai kiểm tra với tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản được kiểm tra đánh giá định kỳ xếp loại C vẫn còn cao, chiếm 33,3%.

Bên cạnh đó, Cục đã tổ chức tái kiểm tra 17 cơ sở thủy sản; trong đó có 9 cơ sở loại B, chiếm 53%; còn lại 8 cơ sở xếp loại C, chiếm 47%. Cục cũng tiến hành tái kiểm tra 6 cơ sở nông sản thì có 5 cơ sở đạt loại B và vẫn còn 1 cơ sở xếp loại C.

Đặc biệt, trong các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp: Thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi được tổ chức kiểm tra 6/13 tỉnh. Riêng tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật được kiểm tra định kỳ xếp loại C vẫn còn cao, ở mức 44,4%; tái kiểm tra 6 cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật song các cơ sở này vẫn xếp loại C.

Theo đó, các Chi cục Thú y thuộc vùng 4 (Đà Nẵng) cũng đã kiểm tra 886 cơ sở giết mổ, chăn nuôi, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật và thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y; trong đó, phát hiện 178 cơ sở không đạt yêu cầu vệ sinh thú y.

Trong 8 tháng đầu năm, kiểm tra 2.069 cơ sở  theo Thông tư 14 về kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm sản và thủy sản có 74 cơ sở xếp loại C, chiếm 7%; có 6 trên tổng số 32 cơ sở vi phạm.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết, nhiệm vụ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm luôn giữ vị trí trọng tâm hàng đầu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng sớm hoàn thiện, trình Chính phủ Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên phạm vi toàn quốc.”

"Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần tổ chức giám sát chặt sẽ chương trình giám sát an toàn thực phẩm nông sản, thủy sản và phải có biện pháp quyết liệt xử lý nếu vi phạm," Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu.

Lãnh đạo Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, kiểm tra đột xuất hoạt động xay xát, sơ chế, đóng gói gạo tại 6 cơ sở ở thành phố Hồ Chí Minh không phát hiện việc sử dụng hóa chất trong sản xuất gạo.

Kiểm tra thông tin như báo chí nêu thời gian qua về “chè bẩn” tại 2 tỉnh Bình Dương và Lâm Đồng cho thấy, chưa có cơ sở khẳng định chè phế thải được lấy từ Bình Dương tuồn vào các xưởng chuyên làm chè bẩn tại Lâm Đồng.

Qua kiểm tra, thị trường Hà Nội cũng không phát hiện hóa chất độc hại phun ép chuối xanh mau chín./.
Thanh Tâm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục