Vì sao BOT Quốc lộ 19 bị kết luận giảm thu phí 8 năm sau kiểm toán?

Đại diện Tổng Công ty 36, chủ đầu tư dự án, cho hay đến thời điểm này dự án BOT Quốc lộ 19 chưa thực hiện quyết toán xong do vướng một số vướng mắc về thủ tục.
Vì sao BOT Quốc lộ 19 bị kết luận giảm thu phí 8 năm sau kiểm toán? ảnh 1(Ảnh minh họa: Doãn Đức/Vietnam+)

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết luận kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 tỉnh Gia Lai-Bình Định, do Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT (Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao); trong đó, đáng chú ý trong kết luận kiểm toán là dự án này có sự giảm thu phí gần 8 năm sau khi kiểm toán. Điều này đã đặt ra nhiều thông tin trái chiều, nghi ngờ về phương án tài chính của dự án này.

Cụ thể theo báo cáo kiểm toán của dự án này, thời gian thu phí hoàn vốn là 10 năm 9 tháng và 26 ngày (giảm so với Phương án tài chính ban đầu được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt là 7 năm 6 tháng 27 ngày).

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, đại diện Tổng Công ty 36, chủ đầu tư dự án này cho hay, kết quả kiểm toán nhà nước chỉ ra về việc giảm trừ thời gian thu phí là chưa đúng bản chất vất đề. Bởi phương án tài chính, thời gian thu phí của dự án sẽ được tính toán, xác định chính xác khi quyết toán vốn đầu tư với Bộ Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, đến thời điểm này dự án BOT Quốc lộ 19 chưa thực hiện quyết toán xong do vướng một số vướng mắc về thủ tục. Do đó, chưa thể khẳng định dự án sẽ thực hiện thu phí bao nhiêu năm.

“Kết quả kiểm toán của dự án này tính đến ngày 31/3/2016 là 10 năm 9 tháng 26 ngày sẽ gây sự hiểu lầm về thời gian thu phí hoàn vốn của dự án,” đại diện Công ty 36 khẳng định.

[Bộ Giao thông ‘dọa’ hủy hợp đồng nhà đầu tư BOT Hòa Lạc-Hòa Bình]

Trong báo cáo mới nhất gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Giao thông Vận tải đã có những giải trình liên quan đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước đối với các dự án BOT thời gian qua, cụ thể là về việc giảm thời gian thu phí sau khi kiểm toán.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, đối với dự án BOT, tổng mức đầu tư chỉ là cơ sở để xác định sơ bộ thời gian hoàn vốn làm cơ sở đàm phán hợp đồng tín dụng và hợp đồng dự án. Bộ Giao thông Vận tải đã quy định rõ trong hợp đồng, căn cứ giá trị đầu tư được quyết toán làm tổng vốn đầu tư chính thức để xác định thời gian thu phí hoàn vốn.

Giải thích rõ hơn về kết quả kiểm toán, đại diện Tổng Công ty 36 cho hay, thời gian diễn ra hoạt động kiểm toán dự án BOT Quốc lộ 19 là từ ngày 25/3/2016 đến 23/7/2016. Song đến ngày 31/3/2016, nhà đầu tư đang tiến hành hoàn thiện công trình, hoàn thiện hồ sơ thủ tục để thanh toán và quyết toán vốn với Bộ Giao thông Vận tải vào tháng 12/2016. Do vậy, Kiểm toán nhà nước chỉ kiểm toán được chi phí đầu tư đến thời điểm 31/3/2016. Tại thời điểm này, chi phí đầu tư được kiểm toán xác nhận chỉ mới là 1.093 tỷ đồng, trong khi tổng mức đầu tư của dự án theo hợp đồng được phê duyệt là gần 2.045 tỷ đồng).

“Cũng từ số liệu kiểm toán trên, thời gian thu phí của dự án theo kiểm toán nêu ra là 10 năm 9 tháng 26 ngày giảm trừ so với phương án tài chính ban đầu được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt là 7 năm 6 tháng 27 ngày (Phương án tài chính của dự án theo hợp đồng là 18 năm 4 tháng 23 ngày) là chưa tính theo tổng mức đầu tư tính đến tháng 12/2016 chứ không phải tổng nguồn vốn đầu tư dự án là 1.116 tỷ đồng, giảm khá nhiều so với tổng mức đầu tư ban đầu (gần 2.045 tỷ đồng). Do đó, hoàn toàn không có chuyện tổng mức đầu tư bị giảm đến gần 1.000 tỷ đồng”, đại diện Tổng Công ty 36 lý giải.

Về nội dung kết luận trong kiểm toán dự án BOT Quốc lộ 19 chỉ ra một số hạng mục sai sót làm đội giá trị dự toán nhiều tỷ đồng, từ đó làm tăng giá trị gói thầu nhiều tỷ đồng. Đại diện Tổng Công ty 36 cho rằng, thực tế các gói thầu đã tiết giảm nhiều so với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu không phải do sai sót đơn giá, mà do việc điều chỉnh lại hàm lượng nhựa theo thực tế thi công. Hàm lượng nhựa này được tính toán trên cơ sở thí nghiệm thực tế để bảo đảm độ vững chắc của công trình nên chủ đầu tư đã chủ động điều chỉnh lại làm lượng nhựa chứ không phải do dự toán sai hay ghi sai đơn giá thi công.

Bên cạnh những tồn tại mà Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra tại dự án BOT Quốc lộ 19, tại báo cáo kiểm toán này cũng đánh giá một số mặt mà chủ đầu tư, doanh nghiệp dự án đã thực hiện tốt đó là “Báo cáo nguồn vốn đầu tư và chi phí thực hiện đầu tư xây dựng cảu dự án đến ngày 31/3/2016 đã phản ánh trung thực, hợp lý tình hình của dự án theo quy định của các Luật, chính sách, chế độ hiện hành của Nhà nước."

Ngoài ra, “Công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền theo Luật Xây dựng. Thiết kế cơ sở được lập phù hợp với các tiêu chuẩn áp dụng cho dự án”, báo cáo kiểm toán cho hay.

Cùng với đó, trong hồ sơ Kiểm toán dự án BOT Quốc lộ 19 do ông Ngô Văn Quý, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành IV ký, cũng không thấy có thông tin nào chỉ ra các sai sót về xác định tổng mức đầu tư, thời gian thu phí hay khối lượng dự phòng.

Đại diện Tổng Công ty 36 cho biết, khi Bộ Giao thông Vận tải kêu gọi đầu tư dự án quốc lộ 91 gần như không có nhà đầu tư, vì dự báo lưu lượng xe thấp dẫn đến thời gian hoàn vốn lâu, không giống như các tuyến quốc lộ “màu mỡ” khác. Nhưng với vai trò quan trọng trong liên kết vùng cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng đơn vị 36 là đơn vị Quốc phòng nên doanh nghiệp đã quyết định đầu tư.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn Km 17+027 – Km 50 trên địa phận tỉnh Bình Định và đoạn Km 108 - Km 131+300 trên địa phận tỉnh Gia Lai theo hình thức hơp đồng BOT do Công ty 36 (Bộ Quốc Phòng) làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công đầu năm 2014 hoàn thành và thông xe kỹ thuật tháng 4/2016 có tổng mức đầu tư là hơn 2.045 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng hơn 1.118 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là gần 126 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục