Vì sao các đại gia công nghệ chi lớn hoạt động chính trị địa phương?

Các công ty công nghệ đang ngày càng tham gia vào những hoạt động cơ bản và quan trọng trong đời sống chính trị địa phương theo những cách mà họ chưa từng làm trong quá khứ.
Vì sao các đại gia công nghệ chi lớn hoạt động chính trị địa phương? ảnh 1Giám đốc điều hành của Apple, Tim Cook nói chuyện với Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom về các khoản đầu tư cho dự án nhà ở xã hội mới. (Nguồn: Apple)

Theo Trang mạng usatoday.com, trong cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Seattle hôm 5/11, một trong những cuộc đua được theo dõi chặt chẽ nhất là giữa Kshama Sawant, Ủy viên hội đồng đương nhiệm ủng hộ đảng Lao động xã hội, và thương gia Egan Orion, người ủng hộ cộng đồng đồng tính.

Đó không phải là một thế trận bất hợp lý trong một phần rất tự do của một thành phố nói chung là tự do. Điều bất thường là quyết định của Amazon và một số giám đốc điều hành của hãng đã bơm 1,45 triệu USD vào cuộc bầu cử hội đồng thành phố ở quê nhà của hãng và các cuộc bầu cử địa phương khác để hỗ trợ các ứng cử viên thân doanh nghiệp.

Các công ty công nghệ - từ lâu đã tập trung vào các vấn đề quốc gia và toàn cầu - đang ngày càng tham gia vào những hoạt động cơ bản và quan trọng trong đời sống chính trị địa phương theo những cách mà họ chưa từng làm trong quá khứ.

Các chuyên gia cho biết đây là một sự thay đổi đã diễn ra được một thời gian, theo nhiều cách tương tự như các nỗ lực của những công ty như Ford, Coca-Cola và U.S. Steel để tác động đến các thành phố mà họ đã rót vốn đầu tư.

Seattle không phải là nơi duy nhất được các công ty công nghệ rót tiền trong tuần này.

Tại bang Washington, Amazon và Microsoft đã quyên góp rất nhiều tiền để phản đối một đề xuất cắt giảm thuế. Tuần trước, Apple cũng đã cam kết đầu tư 2,5 tỷ USD cho các dự án xây nhà ở mới ở khu vực Vịnh San Francisco.

Kết quả bầu cử tại Seattle không được công bố ngay. Kể từ chiều 6/11, Sawant đã bám sát Orion nhưng vẫn còn quá nhiều phiếu bầu chưa được kiểm.

"Ủy viên hội đồng Sawant là kẻ thù số 1 của Amazon. Nếu bà thất bại trong cuộc bầu cử lần này, Amazon phải xem nỗ lực của họ là một thành công," giáo sư Jeffrey Shulman tại Trường kinh doanh Foster thuộc Đại học Washington, người đang nghiên cứu về những ảnh hưởng của Amazon đối với Seattle, nhận định.

Các công ty công nghệ "mua" địa phương

Sự chú ý đến các cuộc bầu cử địa phương này là tương đối mới đối với các công ty công nghệ, Jessica Trounstine, Giáo sư khoa học chính trị và đời sống chính trị địa phương tại Đại học California, cho biết.

Trong một thời gian dài, nhiều giám đốc điều hành các công ty công nghệ cho rằng các công ty của họ cơ động và họ có thể bắt đầu công việc kinh doanh ở bất cứ đâu, bà nói.

"Vì vậy, các bạn thấy khoảng thời gian dài này trong lịch sử nước Mỹ, khi các doanh nghiệp này không tham gia vào sân khấu chính trị địa phương," bà nói thêm.

Sau đó, các công ty này dường như nhận ra rằng trong khi mạng Internet có phạm vi hoạt động toàn cầu thì lực lượng lao động của họ là người địa phương- và rất kén chọn nơi sinh sống.

"Chất lượng cuộc sống ở một thành phố ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng của các công ty thuê được những lao động giỏi nhất và thông minh nhất," giáo sư Shulman thuộc Đại học Washington nói. "Một trong những lợi ích mà họ quan tâm nhất là có một nơi mà mọi người muốn sống. Khi Seattle biến đổi, có rất nhiều câu hỏi về cách chúng ta giải quyết những vấn đề này như thế nào và Amazon đang cố gắng để trở thành một phần trong đó."

Nhu cầu một thành phố thịnh vượng đã được nhấn mạnh khi Amazon tuyên bố tìm kiếm vị trí đặt trụ sở thứ hai của hãng hồi năm ngoái. Danh sách các yêu cầu của công ty bao gồm văn hóa sôi động, quá cảnh tốt, thân thiện với doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng tuyệt vời.

Việc tìm kiếm không diễn ra suôn sẻ với Amazon. Họ đã chọn thành phố New York và thành phố Crystal ở Bắc Virginia như sự bổ sung kép, sau đó kế hoạch của họ đã bị các chính trị gia địa phương ở New York phản đối. Công ty cuối cùng đã quyết định từ bỏ hoàn toàn New York.

Nhà ở trở thành ưu tiên của các hãng công nghệ

Lĩnh vực khác mà các công ty công nghệ đang ngày càng quan tâm là nhà ở, tăng trưởng một cách ngoạn mục.

Hàng nghìn cư dân sắp dọn đến có thu nhập 6 con số cùng với việc thiếu nhà ở đáp ứng nhu cầu đã khiến giá cả leo thang và một cuộc khủng hoảng về nhà ở giá cả phải chăng khắp Bờ Tây khiến nhiều người đổ lỗi cho các công ty công nghệ lớn.

[Apple cam kết chi 2,5 tỷ USD chống khủng hoảng nhà ở tại California]

Giá thuê một căn hộ một phòng ngủ ở San Francisco trung bình hiện nay là 3.870 USD, theo trang web RentJungle. Năm nay, thành phố ước tính có hơn 8.000 người vô gia cư ngủ ngoài đường và trong các nhà tạm trú.

Tuần trước, Apple đã cam kết chi 2,5 tỷ USD cho nhà ở và người vô gia cư, trong khi Facebook hồi tháng trước cũng cam kết dành 1 tỷ USD cho lĩnh vực này. Tháng 6 vừa qua, Google cũng cam kết đầu tư 1 tỷ USD.

Daniel Hopkins, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Pennsylvania, nói: "Những lợi ích của việc ở San Francisco, Seattle, Austin hay Boston là rất cao, đến mức các công ty này thích trả một khoản tiền đáng kể cho nhà ở hơn là rải rác ở nơi nào khác."

Trounstine cho biết không có sự vị tha nào liên quan đến các khoản tài trợ này cả. Số tiền này trước hết tập trung vào việc tạo ra các trang thiết bị và nguồn lực hợp lý cho người vô gia cư vì dám chắc rằng cuối cùng họ sẽ tăng trợ cấp cho mọi người.

Số tiền dành cho nhà ở, mặc dù lớn, không là gì so với giá trị thị trường của chính các công ty công nghệ này. Apple được định giá 1,14 nghìn tỷ USD, Amazon 890 tỷ USD, Google 890 tỷ USD và Facebook 546 tỷ USD.

Margaret O'Mara, Giáo sư lịch sử tại Đại học Washington ở Seattle, chuyên gia nghiên cứu về lịch sử chính trị của thế giới công nghệ nhận xét, những nỗ lực này gợi lại những hành động của các nhà đại tư bản công nghiệp của Thời đại kim tiền (Gilded Age) như Carnegie và Rockefeller.

"Hoạt động từ thiện cá nhân của họ một phần là nỗ lực nhằm lấy lại hình ảnh của họ, nhưng số tiền này phải được chi tiêu theo các điều kiện của họ", bà O'Mara nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục