Vì sao Chiến tranh Triều Tiên chưa chính thức chấm dứt?

Hàn Quốc và Triều Tiên không xảy ra “chiến tranh” theo nghĩa thông thường. Vì vậy, đề xuất về 1 hiệp ước mang lại trạng thái hòa bình là không cần thiết, vì trạng thái đó về cơ bản vẫn đang tồn tại.
Vì sao Chiến tranh Triều Tiên chưa chính thức chấm dứt? ảnh 1Binh sỹ Hàn Quốc (phía trước) và binh sỹ Triều Tiên (phía sau) gác tại đường giới tuyến phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên ở Panmunjom. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng nationalinterest.org, việc Mỹ rút khỏi Afghanistan đã làm dấy lên làn sóng quan ngại rằng Washington có thể rút khỏi cam kết với các bên khác, chẳng hạn như Hàn Quốc hay Đài Loan.

Điều này đã gây ra một số cuộc tranh luận về tình trạng chưa được giải quyết trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Sự thù địch chỉ dừng lại sau một hiệp định đình chiến, chứ không phải một hiệp ước hòa bình thực sự.

Các nhà phân tích ủng hộ hòa bình trong cộng đồng chính sách Hàn Quốc đã lập luận rằng một hiệp ước sẽ giúp Bán đảo Triều Tiên cải thiện tình hình. Nói cách khác, một thỏa thuận cuối cùng sẽ giúp quá trình hòa giải trở nên dễ dàng hơn, tạo điều kiện giải trừ quân bị, hạn chế sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề của hai miền Triều Tiên...

Tuy nhiên, một thỏa thuận như vậy chưa từng thành hiện thực, cho dù ý tưởng này đã nhen nhóm trong nhiều thập kỷ.

Thực tế này bắt nguồn từ một số nguyên nhân. Đầu tiên, hai nước không xảy ra “chiến tranh” theo nghĩa thông thường. Trên thực tế, họ đã không còn chiến tranh kể từ năm 1953. Vì vậy, đề xuất cho rằng một hiệp ước sẽ mang lại trạng thái hòa bình là không cần thiết, vì trạng thái đó về cơ bản vẫn đang tồn tại. Việc cho rằng Chiến tranh Triều Tiên là “cuộc chiến không có hồi kết” là một nhận định sai lầm.

Thuật ngữ này bao hàm sự trao đổi động học, thường xuyên giữa hai bên trong một tình trạng bế tắc không có lối thoát. Cụm từ này mô tả đúng với các cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam, Iraq và Afghanistan, nhưng không phải ở Bán đảo Triều Tiên.

[Triều Tiên bác đề nghị của Hàn Quốc về tuyên bố chấm dứt chiến tranh ]

Hiệp định đình chiến đã có từ năm 1953 và các hành động khiêu khích dọc biên giới luôn đến từ phía Triều Tiên, chứ không phải từ Hàn Quốc hay Mỹ. Việc thiếu một thỏa thuận trên giấy tờ - một hiệp ước hòa bình chính thức - không liên quan đến tình hình thực tế, vốn không phải là một cuộc xung đột công khai.

Thứ hai, một hiệp ước hòa bình sẽ không phù hợp nếu hai miền Triều Tiên không chịu thay đổi để hòa hợp hơn, từ đó tăng khả năng duy trì hòa bình sau hiệp ước.

Nếu tình hình vẫn giữ nguyên - hai bên hai chế độ khác biệt - thì một hiệp ước sẽ không tạo ra điều gì khác biệt, vì tất cả các vấn đề ngăn cách hai miền Triều Tiên vẫn tồn tại.

Do Hàn Quốc không sẵn sàng thay đổi hiến pháp phù hợp với Triều Tiên, nên việc thu hẹp khoảng cách giữa hai nước thực chất lại giúp Triều Tiên tự do hơn. Trường hợp của Bán đảo Triều Tiên cũng tương tự như trường hợp của Đức.

Cần nhớ rằng hai miền của nước Đức chỉ được hàn gắn trên giấy tờ sau khi Liên Xô cải cách. Cụ thể, nếu Triều Tiên vẫn là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên mà mọi người đã biết từ hàng thập kỷ nay - với một triệu binh sỹ trực chiến tại biên giới phía Nam, một chương trình tên lửa hạt nhân xoay vòng - thì điều gì sẽ thay đổi sau hiệp ước?

Liệu Hàn Quốc và các đồng minh có tin tưởng Triều Tiên hơn hay không? Gần như chắc chắn là không. Việc ký một hiệp ước mà không có bất kỳ cuộc cải cách nào sẽ là chẳng có ý nghĩa gì với Triều Tiên.

Vì vậy, sẽ không có bên nào giải trừ quân bị; cuộc chạy đua vũ trang liên Triều vẫn tiếp diễn; Mỹ và Liên hợp quốc vẫn phải duy trì cam kết với Hàn Quốc; nhân quyền vẫn sẽ là một vấn đề lớn.

Thứ ba, những người ủng hộ hòa bình thường xuyên chỉ trích Mỹ vì thiếu động thái thúc đẩy hiệp ước, và quả thực Mỹ cũng lo ngại hiệp ước này sẽ làm giảm tính hợp pháp của Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc tại Hàn Quốc, cũng như vị thế của các lực lượng liên quan.

Tuy nhiên, có những lý do quan trọng hơn khiến liên minh Mỹ-Hàn không muốn thúc đẩy hiệp ước này. Đó là sự kháng cự của phe cánh hữu tại Hàn Quốc. Họ ủng hộ một sự thống nhất do Hàn Quốc lãnh đạo.

Chính phủ ôn hòa hiện tại vẫn chưa phản ứng đủ mạnh trước vấn đề này, làm xuất hiện tư tưởng bảo thủ trong nội bộ. Phe cánh hữu sẽ kiên quyết phản đối và tìm cách hủy hiệp ước ngay sau khi những thành viên bảo thủ trở lại nắm quyền tổng thống Hàn Quốc.

Cử tri trung lập của Hàn Quốc cũng tỏ ra lạnh nhạt với hiệp ước này vì lo ngại nó có thể khiến Mỹ tăng cường can dự. Họ đều biết về liên minh Mỹ-Hàn.

Tuy nhiên, những cử tri trung lập cho rằng sự hiện diện của Mỹ sẽ cản trở Hàn Quốc hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, đồng thời việc ngăn cản thỏa thuận với Triều Tiên tiềm ẩn rủi ro rất lớn.

Ngoài phe cánh tả, có lẽ tỷ lệ công chúng Hàn Quốc ủng hộ hiệp ước chỉ chiếm khoảng 35-40%. Do đó, ý tưởng này, vốn được phe cánh tả Hàn Quốc khởi động trong nhiều thập kỷ, song chưa bao giờ thành hiện thực.

Đó cũng là lý do giải thích tại sao ý tưởng năm 2019 của Tổng thống Moon Jae-in về “nền kinh tế hòa bình” liên Triều lại thất bại. Nếu Moon Jae-in và liên minh cánh tả thực sự muốn có hiệp ước này, thì ông cần sử dụng biện pháp mạnh trong suốt nhiệm kỳ của mình để thuyết phục các cử tri trung lập và bảo thủ. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ thử làm điều đó.

Hàn Quốc muốn tránh nhầm lẫn giữa luật pháp và hiến pháp. Seoul đã không ký hiệp định đình chiến năm 1953, vì vậy xét về mặt pháp lý, vai trò của họ trong hiệp ước không rõ ràng.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã ký hiệp định đình chiến, từ đó tạo ra tiền lệ về quyền phủ quyết đối với hình thức của hiệp ước. Những năm gần đây, Trung Quốc đã “bắt nạt” Hàn Quốc như một phần của chính sách ngoại giao “Chiến Lang.”

Các cuộc đàm phán hiệp ước sẽ trở thành lời mời gọi Bắc Kinh can dự sâu hơn vào những vấn đề của Bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, hiến pháp Hàn Quốc khẳng định quyền kiểm soát toàn bộ bán đảo chỉ thuộc về một mình Seoul. Một hiệp ước hòa bình có thể sẽ được coi như một sự thừa nhận đối với Triều Tiên, khiến Hàn Quốc phải sửa đổi hiến pháp.

Hiệp ước hòa bình sẽ hoàn toàn có lợi cho Triều Tiên mà không mang lại lợi ích rõ ràng nào cho Hàn Quốc. Điều này sẽ dẫn đến việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao liên Triều, đồng thời công nhận Triều Tiên như một quốc gia bình đẳng, thay vì một chế độ độc tài như bản chất của họ.

Ngoài ra, hiệp ước cũng làm giảm tính chính danh của Liên hợp quốc và Mỹ khi can dự vào vấn đề Triều Tiên.

Vậy tại sao Hàn Quốc không thúc đẩy hiệp ước? Một lần nữa, ngoài phe cánh tả, hầu hết người dân Hàn Quốc không có hứng thú hay nhiệt tình với dự án này. Và nếu Seoul không được lợi gì từ hiệp ước, thì cũng rất dễ hiểu vì sao họ làm như vậy. Tóm lại, có thể dễ dàng dự đoán rằng sẽ không có hiệp ước nào trừ khi Triều Tiên thay đổi rõ rệt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục