Vì sao đề xuất thuế DN của Mỹ được hầu hết các nước ủng hộ?

Đầu tháng Bảy vừa qua, OECD đồng ý về quy định áp mức thuế tối thiểu trên phạm vi toàn cầu và phân bổ lại doanh thu từ thuế đối với các tập đoàn lớn, có lợi nhuận cao.
Vì sao đề xuất thuế DN của Mỹ được hầu hết các nước ủng hộ? ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Yomiuri, Reuters và Sputnik, tháng Bảy vừa qua được đánh dấu bằng sự kiện nhiều quốc gia trên thế giới đạt được đồng thuận hiếm hoi về cải cách hệ thống thuế toàn cầu.

Vào đầu năm nay, chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra đề xuất thay đổi hệ thống thuế áp dụng với các tập đoàn đa quốc gia. Trước hết là yêu cầu các công ty nộp thuế ở tất cả các quốc gia nơi họ tiến hành hoạt động kinh doanh, chứ không chỉ ở những nơi họ đăng ký trụ sở chính. Thứ hai, thuế suất doanh nghiệp phải có mức tối thiểu, để các nước không thể "chạy đua" đưa ra những mức thuế siêu thấp để thu hút doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài.

Trong tháng Sáu năm nay, sáng kiến này đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), nhưng có một sửa đổi. Mỹ đưa ra đề xuất mức thuế doanh nghiệp tối thiểu là 21%, các thành viên khác của G7 thống nhất giảm xuống còn 15%.

Đầu tháng Bảy vừa qua, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đồng ý về quy định áp mức thuế tối thiểu trên phạm vi toàn cầu và phân bổ lại doanh thu từ thuế đối với các tập đoàn lớn, có lợi nhuận cao. Trong cuộc họp giữa Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra vào ngày 10/7 tại Italy, các nhà lãnh đạo đã cơ bản nhất trí về việc áp dụng quy định mới nhằm ngăn ngừa hoạt động "né tránh" thuế của các tập đoàn đa quốc gia.

Đến thời điểm này, có 132 quốc gia và vùng lãnh thổ cho biết sẽ tham gia quy định mới, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU). Việc các quan chức G20 đạt được đồng thuận cơ bản là yếu tố quan trọng để G20 thông qua quyết định cuối cùng tại Hội nghị giữa các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương diễn ra tại Mỹ vào tháng 10/2021 và tiến tới áp dụng vào năm 2023.

[Bước tiến quan trọng hướng đến một hiệp định thuế toàn cầu]

Việc áp mức thuế tối thiểu 15% có nghĩa là nếu một tập đoàn và các công ty con nộp thuế ở nước ngoài dưới mức tối thiểu, họ sẽ tiếp tục phải nộp khoản chênh lệch so với mức tối thiểu tại chính quốc gia của họ. Từ đó, việc chuyển lợi nhuận sang các quốc gia khác có mức thuế thấp hơn mức tối thiểu sẽ không còn hấp dẫn với các doanh nghiệp nữa. Trong khi đó, doanh thu thuế từ doanh nghiệp sẽ được phân phối lại một phần.

Cho đến nay, các doanh nghiệp chủ yếu nộp thuế tại quốc gia nơi họ đặt trụ sở. Trong tương lai, việc đánh thuế sẽ được thực hiện nhiều hơn tại nơi mà doanh nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh và tạo ra doanh thu.

Trên thực tế, tỷ lệ 15% được đề xuất thậm chí còn thấp hơn mức thuế hiện hành mà các tập đoàn đang phải chịu ở một số quốc gia. Ví dụ, thuế thu nhập doanh nghiệp ở Trung Quốc là 25%, ở Singapore là 17%. Ngay cả ở Hong Kong (Trung Quốc), nơi mà nhiều người coi là "thiên đường thuế," thuế suất thu nhập doanh nghiệp ở mức 16,5%.

Như vậy, rõ ràng là nếu cả cộng đồng thế giới áp dụng thuế suất doanh nghiệp tối thiểu là 15%, trật tự mới sẽ dẫn đến sự bình đẳng tương đối về các điều kiện đầu tư ở tất cả các quốc gia. Điều này cũng sẽ cho phép các quốc gia, nơi các tập đoàn xuyên quốc gia như Google, Amazon… kiếm được lợi nhuận, giữ lại tiền thuế ở trong nước và thúc đẩy sự phát triển kinh tế quốc da, giải quyết các vấn đề xã hội. Đó là lý do tại sao cuộc cải cách hệ thống thuế này được Moskva, Bắc Kinh và New Delhi ủng hộ.

Cũng như trong bất kỳ mọi lĩnh vực kinh doanh quan trọng, hệ thống thuế mới cũng đối mặt với nhiều ý kiến phản đối. Do đó, nhiều khả năng quá trình đàm phán giữa các quốc gia sẽ vấp phải nhiều khó khăn. Vấn đề tranh luận trong thời gian tới sẽ là nội dung cụ thể hóa nêu trong quy định mới. Các điểm chung đã được các quốc gia cơ bản đồng thuận, song khả năng các nước sẽ có quan điểm khác nhau về những điều khoản mang tính lợi ích-thiệt hại cho quốc gia.

Quy định về thuế kỹ thuật số vẫn còn các điểm phải thảo luận, khi các quốc gia vẫn còn ý kiến khác nhau về tỷ lệ phân bổ cho quốc gia mà doanh nghiệp có doanh thu. Ngoài ra, một số nước vẫn chưa quyết định thời điểm dỡ bỏ, chấm dứt thuế kỹ thuật số hiện đang được áp dụng. Tại Mỹ, hiện có những nghị sỹ liên bang thể hiện thái độ thận trọng đối với thuế kỹ thuật số. Do đó, cũng có quan điểm cho rằng, việc Quốc hội Mỹ thông qua loại thuế này là không đơn giản.

Xung quanh tỷ lệ thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, một số nước vẫn giữ quan điểm cho rằng mức 15% là chưa đủ, trong khi một số nước hiện duy trì chính sách ưu đãi thuế doanh nghiệp dưới 15% lại chưa bày tỏ ý định tham gia. Những nơi thường được gọi là "thiên đường thuế" như Bermuda và Quần đảo Cayman, Ireland vẫn chưa ủng hộ hệ thống thuế mới.

Chính phủ Sri Lanka cho rằng hệ thống thuế mới sẽ khiến các nhà đầu tư vào nền kinh tế của hòn đảo này lo ngại. Vì vậy, để đi đến quyết định chính thức cuối cùng, việc vận động sự ủng hộ của các quốc gia này là không thể thiếu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục