Vì sao ít người dùng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền?

Dù biết được rõ lợi ích của việc áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhưng nhiều người vẫn e ngại vì sợ phát sinh thêm chi phí và chần chừ do chưa có quy định bắt buộc.
Vì sao ít người dùng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền? ảnh 1Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là giải pháp cung cấp hóa đơn có kết nối với cơ quan thuế, để quản lý được doanh thu thực của người bán. (Nguồn: Vietnam+)

Chị Nguyễn Mai Thanh, phụ trách kế toán tại một công ty bán lẻ hàng tiêu dùng ở quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết kể từ tháng 10/2022, chị đã biết công ty mình thuộc nhóm đối tượng sẽ áp dụng thí điểm hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Phía cơ quan thuế cũng đã cung cấp các nội dung hướng dẫn, tuy nhiên đến nay, công ty chị vẫn chưa áp dụng dù đã nắm được những lợi ích của loại hình hóa đơn này.

Chị Thanh chia sẻ: "Lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền sẽ giúp chúng tôi chủ động hơn trong việc lập hóa đơn cũng như khi có phát sinh bán hàng hóa, dịch vụ."

"Nhưng hiện mới chỉ ở giai đoạn đầu triển khai thí điểm, khi nào có quy định bắt buộc, lúc đó chúng tôi sẽ thực hiện," chị Thanh nói thêm.

[Khởi tạo hóa đơn điện tử từ máy tính tiền: Thuận lợi, tiết kiệm]

Cũng giống như chị Thanh, anh Nguyễn Mạnh Tuấn, quản lý một cửa hàng thuốc tân dược trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết anh chưa áp dụng loại hình hóa đơn này do e ngại phát sinh thêm các chi phí liên quan.

Anh Tuấn chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng để có thể áp dụng loại hình hóa đơn này cần mua sắm đủ các thiết bị liên quan."

Kể từ ngày 15/12/2022, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 3 địa phương áp dụng thí điểm việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Tuy vậy, sau hơn 2 tháng triển khai, tỷ lệ người nộp thuế đăng ký thành công ở Thành phố Hồ Chí Minh còn khá thấp.

Khởi tạo hóa đơn điện tử từ máy tính tiền

Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là giải pháp cung cấp hóa đơn có kết nối với cơ quan thuế, để quản lý được doanh thu thực của người bán.

Thực hiện chỉ đạo, ngành thuế đã xây dựng giải pháp và chính thức vận hành hệ thống này từ ngày 15/12/2022. Hệ thống này tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng, cũng như doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh.

Người bán có thể xuất hóa đơn điện tử ngay khi bán hàng hóa, dịch vụ, giúp tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Đồng thời, việc xuất hóa đơn được thực hiện bất cứ thời gian nào, do hóa đơn in ra từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế là hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn chia sẻ: “Với việc thực hiện hóa đơn người nộp thuế sẽ chủ động hơn trong việc điều chỉnh sai sót do hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền được gửi vào cuối ngày, không phải gửi từng hóa đơn như loại hóa đơn có mã thông thường.”

Loại hình hóa đơn này sẽ hỗ trợ cơ quan thuế về cơ sở dữ liệu các giao dịch hàng hóa, dịch vụ được cung cấp trên thị trường, phục vụ công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh, chống gian lận thương mại và hành vi trốn thuế.

Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh lựa chọn một số địa phương gồm thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ triển khai trong giai đoạn 1 áp dụng 100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn hoạt động trong các lĩnh vực trực tiếp liên quan đến giao dịch với người tiêu dùng, sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền; trọng tâm là nhà hàng, khách sạn, siêu thị, kinh doanh vàng bạc…

Trên cơ sở kết quả triển khai giai đoạn 1, sẽ triển khai giai đoạn 2 áp dụng diện rộng trên toàn quốc.

Tỷ lệ người dùng ở mức thấp

Theo số liệu của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 26/2, chỉ mới 278 người nộp thuế trên địa bàn thành phố thực hiện đăng ký thành công sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền.

Dữ liệu trên cho thấy số người nộp thuế tham gia thực hiện việc chuyển đổi ở thời điểm này còn khá thấp.

Qua khảo sát, Thành phố Hồ Chí Minh có 266 doanh nghiệp và 5.268 hộ kinh doanh là các trung tâm thương mại, siêu thị, bán lẻ hàng tiêu dùng, ăn uống, nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc tân dược, dịch vui vui chơi giải trí và các dịch vụ khác sẽ là đối tượng áp dụng.

Vì sao ít người dùng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền? ảnh 2Người dân thanh toán mua hàng tại siêu thị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo kế hoạch, trước ngày 15/3/2023, ngành thuế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức thực hiện hoàn thành 100% số lượng người nộp thuế theo danh sách đã đăng ký giai đoạn 1.

Đối với việc thực hiện giai đoạn 2 (từ tháng 4/2023 đến 10/2023), Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện rà soát bổ sung đối tượng người nộp thuế theo công văn của Tổng cục Thuế và tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành 100% số lượng người nộp thuế theo danh sách kế hoạch đợt 2 trước 31/10/2023.

Vì sao nhiều người chần chừ?

Theo Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân chính dẫn đến việc tỷ lệ người nộp thuế đăng ký thành công ở Thành phố Hồ Chí Minh còn khá thấp là do chưa có quy định pháp lý chính thức để chuyển đổi hay thực hiện.

Trong khi đó, lộ trình giai đoạn 2 sẽ bắt đầu từ ngày 1/4/2023, do đó doanh nghiệp, hộ kinh doanh còn có tâm lý chờ người nộp thuế khác thực hiện trước.

Đây cũng là nguyên nhân khiến chị Thanh chần chừ khi áp dụng loại hình hóa đơn này. "Các quy định hiện hành vẫn cho phép một người nộp thuế được đồng thời được sử dụng nhiều hình thức hóa đơn điện tử," chị Thanh nói.

Một nguyên nhân nữa khiến tỷ lệ tham gia còn hạn chế là các doanh nghiệp, đặc biệt là hộ kinh doanh còn e ngại về chi phí để nâng cấp, chuyển đổi phần mềm ứng dụng của các máy tính tiền tại từng điểm bán hàng để đồng nhất việc xuất hóa đơn từ máy tính tiền trên toàn hệ thống, đặc biệt là mô hình chuỗi, siêu thị.

Giống như anh Tuấn, nhiều hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ có suy nghĩ rằng phải có đầy đủ một hạ tầng công nghệ thông tin thì mới có thể triển khai áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Với tâm lý e ngại phát sinh thêm các chi phí liên quan đã gây cản trở các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số. Nhưng thực tế triển khai thì không khó khăn như mọi người nghĩ.

Các doanh nghiệp chỉ cần tích hợp phần mềm hóa đơn điện tử vào phần mềm bán hàng/máy bàn hàng của mình. Việc tích hợp này, không mất quá nhiều thời gian và công sức và được chính nhà cung cấp phần mềm hóa đơn điện tử hỗ trợ.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người nộp thuế đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền không cao là do hiện nay hầu hết người nộp thuế (doanh nghiệp, người nộp thuế nộp thuế theo phương pháp kê khai) đều đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn chứng từ.

Cũng theo Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, đối với công tác rà soát, hiện nay các cán bộ công chức quản lý thuế vẫn chưa rà soát đầy đủ theo thực tế hoạt động kinh doanh của người nộp thuế theo 5 nhóm ngành nghề và tổng hợp đầy đủ danh sách người nộp thuế đang sử dụng máy tính tiền theo quy định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục