Vì sao nhiều dự án giao thông phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư?

Trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chỉ rõ hai lý do khiến nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, trong đó có việc thay đổi giá đền bù.
Vì sao nhiều dự án giao thông phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư? ảnh 1Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tiếp tục trả lời chất vấn về lĩnh vực giao thông vận tải tại hội trường Quốc hội sáng 7/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã chỉ rõ hai lý do chính hiện nay khiến nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư.

Lý do thứ nhất liên quan đến thay đổi giá đền bù khi khảo sát và triển khai thực tế. Lý do thứ hai liên quan đến quá trình tư vấn thiết kế, khảo sát không chính xác, nhất là nơi có địa chất yếu. Trong khi đó, nếu không khảo sát thận trọng, cẩn thận thì có thể dẫn đến việc sau này có sai khác trong quá trình triển khai thi công.

Thực tế, từ khi có Luật Đầu tư Công, tình trạng phải điều chỉnh tổng mức đầu tư đối với các dự án đầu tư hạ tầng giao thông đã được khắc phục cơ bản. Hiện chỉ có 3 dự án ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng tổng mức đầu tư cao là Dự án cầu Rạch Miễu 2, dự án Đường Cao tốc Mĩ An-Cao Lãnh, Dự án Đường Cao tốc An Hữu-Cao Lãnh.

[Bộ Giao thông Vận tải sẽ nâng tốc độ trên đường cao tốc từ 2024]

Đối với các dự án này, Bộ Giao thông Vận tải đã tham mưu cho Chính phủ để ban hành chỉ thị yêu cầu các đơn vị phải nâng cao trách nhiệm, bảo đảm chất lượng tư vấn đầu tư xây dựng công trình.

Các đơn vị nâng cao chất lượng khảo sát, thiết kế, đặc biệt là khảo sát địa chất mỏ, mỏ vật liệu, bãi đổ thải, điều tra làm rõ diện tích mặt đất, cũng như thỏa thuận với địa phương về đơn giá, kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng để không làm tăng tổng mức đầu tư.

Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ định mức xây dựng, sản xuất, đầu tư và kiểm tra chặt chẽ năng lực của đơn vị khảo sát thiết kế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, trong giai đoạn vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã làm rất chặt nội dung này. Công tác điều tra, khảo sát của đơn vị tư vấn cũng được nâng lên một bước.

Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị các địa phương phải thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường để kịp thời cập nhật, công bố giá các vật liệu xây dựng cũng như chỉ số giá để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.

Theo thống kê, trong kỳ trung hạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải được giao 64 dự án với tổng kinh phí là 300.000 tỷ đồng. Đến nay, Bộ đã phê duyệt 60 dự án và đang triển khai. Về cơ bản, các dự án tương đối tốt, không tăng tổng mức đầu tư, nếu có thì rất ít.

Vì sao nhiều dự án giao thông phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư? ảnh 2Xây dựng Khu Tái định cư Cả Môn, xã Nhị Mỹ (Cao Lãnh, Đồng Tháp) để sớm bố trí tái định cư cho người dân để thực hiện Dự án Cao tốc Cao Lãnh-An Hữu. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Đánh giá về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, bên lề Kỳ họp Quốc hội sáng nay, đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa) cho biết Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã trả lời rất rõ từng vấn đề và trong từng vấn đề cũng đã nêu được những cái việc ngành đã làm, đang làm và một số cái vấn đề còn phải tiếp tục cần có thời gian để ban hành cơ chế, chính sách để triển khai nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như mong mỏi của cử tri đặt ra.

Trong số đó, còn một số vấn đề như thiết kế giao thông, tốc độ giao thông đường cao tốc và những vấn đề khác đòi hỏi có tiêu chuẩn, quy chuẩn hoặc phải có cơ chế, chính sách thực hiện. Bộ trưởng cũng đã nhận trách nhiệm tiếp tục tham mưu Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách để giải quyết các bất cập, thách thức này.

Trước đó, với nội dung chất vấn liên quan tới tốc độ ở đường cao tốc nói chung và mục tiêu là giảm áp lực lưu thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết từ đầu năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải đã cho nghiên cứu rà soát các tiêu chuẩn có phù hợp với thực tế hay chưa và kết quả nghiên cứu cho thấy rằng các tuyến quy định 80 km/giờ có thể nâng lên 90 km/giờ.

“Bộ Giao thông Vận tải đã điều chỉnh tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc và dự kiến quý 1/2024 có thay đổi giới hạn tốc độ tối đa," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.

Hiện Việt Nam có tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc với 4 giới hạn tốc độ là 120-100-80-60 km/giờ. Nhiều tuyến đường nếu đầu tư đồng bộ hoàn chỉnh theo quy hoạch có thể chạy tối đa 120 km/giờ như tuyến Hạ Long-Móng Cái, Hà Nội-Hải Phòng.

Tuy vậy, có ý kiến cử tri phản ánh nhiều tuyến đường cao tốc đã hoàn thành, đi vào vận hành khai thác chỉ cho phép tối đa là 80 km/giờ, chưa giảm thiểu tối ưu vận tải và thời gian lưu thông.

Bộ Giao thông Vận tải cũng nghiêm túc xem xét trách nhiệm, chỉ đạo các cơ quan chức năng, bộ ngành liên quan thanh tra, kiểm tra xử lý trách nhiệm và xử phạt nhà thầu ban quản lý dự án, chủ đầu tư, các cơ quan thẩm định kiểm điểm và xem xét trách nhiệm, nhất là xử phạt nghiêm khắc các đơn vị tư vấn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục