Vì sao ông Donald Trump ra đòn phản kháng mạnh tay với FBI?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh tiết lộ một loạt tài liệu liên quan đến cuộc điều tra từ những ngày đầu tiên của FBI về nghi ngờ sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Vì sao ông Donald Trump ra đòn phản kháng mạnh tay với FBI? ảnh 1Văn bản do Quốc hội Mỹ công bố ngày 2/2/2018, trong đó cáo buộc FBI lạm quyền để theo dõi chiến dịch vận động tranh cử của ứng viên Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo AP, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 17/9 đã ra lệnh tiết lộ một loạt tài liệu liên quan đến cuộc điều tra từ những ngày đầu tiên của Cục điều tra liên bang (FBI) về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, bao gồm một đơn xin gia hạn giám sát bí mật và những tin nhắn của cựu Giám đốc FBI James Comey.

Ông Trump đã thực hiện một động thái bất thường để đáp lại những lời kêu gọi từ các đồng minh của mình trong Quốc hội, những người cho rằng cuộc điều tra về Nga đã bị những người có xu hướng chống đối ông Trump trong FBI và Bộ Tư pháp ra tay can thiệp.

Động thái này cũng xuất hiện trong bối cảnh ông Trump đang nỗ lực làm suy yếu cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller sau khi Paul Manafort - người phụ trách chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2016 của Trump - vừa bị buộc tội, và Roger Stone - cộng sự lâu năm của Trump - đang bị điều tra.

Quyết định này của ông Trump đồng nghĩa với việc sẽ phải công khai các tin nhắn văn bản và các tài liệu liên quan đến một số quan chức hàng đầu của Bộ Tư pháp và FBI, những người mà Trump nhiều lần chỉ trích suốt hơn 1 năm qua.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders đã công bố quyết định của ông Trump trong một tuyên bố bằng văn bản, cho biết tổng thống đã chỉ thị Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia và Bộ Tư pháp Mỹ tiết lộ các tài liệu “theo yêu cầu của nhiều ủy ban trong Quốc hội, và vì lý do minh bạch." Hiện vẫn chưa rõ thời gian và cách thức các tài liệu này sẽ được công bố.

Trong báo cáo tối 17/9, Bộ Tư pháp và văn phòng của Giám đốc Tình báo quốc gia Dan Coats cho biết họ đang phối hợp để tuân theo chỉ thị của ông Trump.

Theo tuyên bố, ông Trump đã tiết lộ 21 trang trong một lá đơn dài 101 trang được soạn thảo hồi tháng 6/2017 để gia hạn một lệnh giám sát theo Đạo luật giám sát tình báo nước ngoài (FISA) đối với Carter Page - cựu cố vấn ủy ban tranh cử của Tổng thống Trump năm 2016.

Con số này chỉ chiếm một phần nhỏ trong 412 trang từ các đơn xin gia hạn theo FISA và lệnh của tòa án liên quan đến Carter Page đã được FBI công bố hồi đầu năm nay sau khi đã được biên tập lại rất nhiều.

[Tổng thống Trump yêu cầu FBI công bố tài liệu về vụ điều tra Nga]

Theo phiên bản đã được biên tập, 3 trong số các trang đã được tiết lộ liên quan đến thông tin được bao gồm trong phần có tiêu đề “Những nỗ lực hợp tác của Chính phủ Nga nhằm can thiệp vào Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016." Phần đó bao hàm những thông tin liên quan đến sự hợp tác tiềm năng giữa những người tham gia chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng như nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ của Nga.

18 trang còn lại liên quan đến thông tin Chính phủ Mỹ đã đệ trình xuất phát từ cựu điệp viên người Anh Christopher Steele trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra. Christopher Steele từ lâu đã chuyên cung cấp thông tin cho FBI và những nghiên cứu của ông do đảng Dân chủ tài trợ về mối quan hệ của ông Trump với Nga đã được biên soạn thành một hồ sơ chống ông Trump công bố hồi tháng 1/2017.

Ngoài các trang xin gia hạn giám sát theo FISA, ông Trump sẽ công bố tất cả các báo cáo của FBI ghi lại các cuộc phỏng vấn liên quan đến lệnh giám sát Carter Page cũng như các tài liệu phỏng vấn quan chức cấp cao Bộ Tư pháp Bruce Ohr, người đã liên lạc với Steele.

Theo tuyên bố của Sanders, Tổng thống Mỹ Trump cũng chỉ đạo Bộ Tư pháp công khai đầy đủ các tin nhắn văn bản của Comey, Ohr, cựu Quyền giám đốc FBI Andrew McCabe, cựu luật sư FBI Lisa Page và cựu đặc vụ FBI Peter Strzok - những người có liên quan đến cuộc điều tra về Nga.

Động thái này được thực hiện sau khi một nhóm nhỏ các nghị sỹ đảng Cộng hòa trong Quốc hội, đều là đồng minh trung thành của Trump, tổ chức một cuộc họp báo hồi tuần trước yêu cầu Trump tiết lộ các tài liệu nói trên.

Đảng Dân chủ đã chỉ trích nỗ lực này, cho rằng các nghị sỹ đảng Cộng hòa đang cố gắng làm mất uy tín của Bộ Tư pháp nhằm nỗ lực bảo vệ Trump khỏi cuộc điều tra của Mueller.

Việc ông Trump công bố các tài liệu này nhanh chóng nhận được sự tán dương của các đồng minh trong Quốc hội nhưng lại bị phe Dân chủ công kích.

Nghị sỹ đảng Cộng hòa Mark Meadows khẳng định trên mạng xã hội Twitter: “Sự minh bạch đã chiến thắng."

Mark Meadows, người đã thúc đẩy việc công bố các tài liệu, nói rõ việc này sẽ cho phép người dân Mỹ quyết định xem “những gì đã xảy ra ở đội ngũ quan chức cấp cao nhất của FBI và Bộ Tư pháp”.

Nghị sỹ đảng Cộng hòa Steve Scalise thì cho rằng Trump đã đúng. Nghị sỹ Scalise nói: “Người Mỹ xứng đáng được biết sự thật về những hành động nghiêm trọng mà các quan chức chính phủ đã gây ra."

Tuy nhiên, nghị sỹ đảng Dân chủ Adam Schiff lại gọi quyết định của ông Trump là một sự “lạm dụng quyền lực” nhằm thúc đẩy một “câu chuyện giả tạo” để bảo vệ ông khỏi cuộc điều tra của Mueller.

Schiff nói rằng FBI và Bộ Tư pháp cho biết việc tiết lộ các tài liệu sẽ vượt qua "giới hạn đỏ" bởi vì làm như vậy sẽ ảnh hưởng tới các nguồn tin và phương pháp điều tra.

Nghị sỹ đảng Dân chủ Elijah Cummings và Jerrold Nadler nhận xét trong một tuyên bố rằng hành động của Trump là một “sự đáp trả trực tiếp và điên rồ” trước việc Manafort bị kết tội và chấp nhận hợp tác với Mueller.

Họ nói: “Khi những bức tường rõ ràng đang đóng sầm trước mặt mình, Tổng thống Trump đang phản kháng bằng việc tiết lộ những thông tin mật đầy khinh suất và vô trách nhiệm trong nỗ lực liều lĩnh nhằm đánh lạc hướng 7 lời buộc tội và những bằng chứng kết tội ngày càng nhiều liên quan đến những cố vấn thân cận nhất của ông"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục