Vì sao Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe giải tán Hạ viện sớm?

Các nghị sỹ đối lập bày tỏ ngờ vực mục đích giải tán hạ viện của ông Abe trong khi nhiều nghị sỹ thuộc liên minh cầm quyền tỏ ý đồng tình với quyết định này.
Vì sao Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe giải tán Hạ viện sớm? ảnh 1 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tối 18/11, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chính thức công bố kế hoạch giải tán Hạ viện và tổ chức bầu cử sớm. Rất nhiều ý kiến tranh cãi liên quan đến lý do thực sự của quyết định này.

Các nghị sỹ đối lập bày tỏ ngờ vực mục đích của ông Abe trong khi nhiều nghị sỹ thuộc liên minh cầm quyền của đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đối tác Công minh Mới (NKP) tỏ ý đồng tình với quyết định không kém phần mạo hiểm này.

Vinh quang và sóng gió sau 2 năm

Nhận nhiệm sở vào tháng 12/2012 sau khi chiến thắng vang dội trước đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), liên minh cầm quyền và Nội các Abe đã thực hiện được một nửa nghị trình đã đề ra trong cương lĩnh tranh cử “chấn hưng nước Nhật” mà trọng tâm của nó là các chính sách kinh tế mang tên “Abenomics” được biết đến rộng rãi với chiến lược “3 mũi tên.”

Ba mũi tên đó bao gồm nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ, tăng cường đầu tư cho lĩnh vực công và chiến lược tăng trưởng. Hai mũi tên đầu tiên đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ đối với nền kinh tế, đẩy chỉ số Nikkei tăng cao, vực dậy niềm tin của nhà đầu tư và khuyến khích người dân chi tiêu.

Nền kinh tế có những chuyển biến tích cực và lần đầu tiên tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản tiến gần đến mục tiêu 2%. Hào quang của Abenomics đã giúp tỷ lệ ủng hộ của Nội các Nhật Bản luôn duy trì ở mức trên 50% trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, sóng gió bắt đầu nổi lên khi mũi tên thứ ba là chiến lược tăng trưởng phiên bản đầu tiên chưa phát huy được tác dụng, buộc chính quyền Abe phải đưa ra chiến lược tăng trưởng phiên bản mới vào tháng 6/2014, trong đó chú trọng vào mở rộng quyền tham gia của tư doanh vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển kinh tế địa phương và tăng cường vai trò của phụ nữ trong xã hội.

Bất chấp chiến lược tăng trưởng mới có nhiều bước tiến và đang bắt đầu có những ảnh hưởng nhất định, tác động tiêu cực của việc tăng thuế tiêu dùng có nguy cơ đẩy nền kinh tế Nhật Bản quay trở lại vòng xoáy suy thoái.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản tiếp tục ghi nhận sụt giảm 1,6% trong giai đoạn từ tháng 7-9/2014. Đây là lần sụt giảm liên tiếp trong hai quý sau lần sụt giảm mạnh 7,1% của quý trước.

Điều này cho thấy nước cờ mạo hiểm của Thủ tướng Abe khi thực hiện cùng lúc chính sách Abenomics nhưng cũng vừa áp dụng chính sách tăng thuế để bù đắp nợ công đang phình to. Mặt tiêu cực của Abenomics dường như có phần lấn át những điểm tích cực mà nó mang lại.

Sóng gió tiếp theo mà Chính quyền Abe gặp phải xuất phát từ sau cuộc cải tổ Nội các hồi tháng Chín trong đó có 5 nữ bộ trưởng trong danh sách thành viên nội các. Tuy nhiên, việc hai nữ bộ trưởng từ chức do bê bối quỹ tranh cử sau chưa đầy một tháng ngồi ghế nóng đã giáng mạnh vào uy tín của Nội các Abe khiến tỷ lệ ủng hộ lần đầu tiên giảm xuống dưới 50% kể từ khi ông Abe lên nắm quyền trước đó gần 2 năm.

Chưa dừng lại ở đó, phe đối lập tuyên bố sẽ tiếp tục chất vấn về các vấn đề tương tự đối với một số vị bộ trưởng nội các trong kỳ họp tiếp theo vào năm sau. Tình thế xem ra khá cấp bách đối với ông Abe và liên minh cầm quyền trong khi nghị trình mà ông đề ra vẫn cần một chặng đường dài mà không chắc những năm còn lại của nhiệm kỳ đủ để hoàn tất với tỷ lệ ủng hộ không mấy vững chắc.

Bây giờ hoặc không bao giờ

Ngay sau chuyến công du châu Á tham dự hội nghị APEC ở Bắc Kinh và Hội nghị Nhóm các nước công nghiệp lớn (G20), Thủ tướng Abe đi đến quyết định quan trọng sau 2 ngày tiếp nhận thông tin không mấy sáng sủa về kinh tế.

Sau hàng loạt sóng gió trên chính trường, quyết định giải tán Hạ viện được cho là lối thoát duy nhất cho chính quyền Abe và liên minh cầm quyền trước sức ép ngày càng lớn từ phía cử tri nghi ngờ về hiệu quả thực sự của chiến lược tăng trưởng.

Không phải vô tình mà thời điểm giải tán Hạ viện được thực hiện ngay sau cuộc gặp cấp cao lịch sử giữa Thủ tướng Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương diễn ra ở Bắc Kinh, làm dấy lên hy vọng về triển vọng bình thường hóa quan hệ Nhật-Trung đang đến gần sau hơn 2 năm căng thẳng kéo dài liên quan đến vấn đề lãnh thổ và lịch sử.

Tuy cuộc gặp cấp cao chưa mang lại kết quả cụ thể cho quan hệ song phương nhưng đối với Chính quyền Abe thì đây là dấu son đáng ghi nhận trong hồ sơ tranh cử Hạ viện sắp tới. Ít ra, ông Abe và êkíp lãnh đạo ở Tokyo đã loại bỏ được tì vết trong thành tích ngoại giao mà có thể sẽ là mục tiêu chỉ trích của phe đối lập.

Chính quyền Abe đã kịp thời lấy thành tích đối ngoại để bù đắp cho khiếm khuyết của các chính sách kinh tế chưa phát huy hết hiệu lực nhằm tranh thủ thêm một số lượng nhất định các cử tri có xu hướng thiên tả ở Nhật Bản.

Trong bối cảnh các đảng đối lập còn chưa đủ mạnh và chia rẽ nội bộ, Chính quyền Abe và liên minh cầm quyền tỏ ra khá tự tin khi giải tán Hạ viện để đương đầu trong một cuộc tỉ thí mà họ tin chắc phần thắng sẽ thuộc về mình.

Chủ tịch Đại hội đồng đảng Dân chủ Tự do (LDP) Toshihiro Nikai cho biết liên minh cầm quyền “muốn tạo điều kiện thuận lợi cho một chiến thắng vang dội.” Theo ông, chính quyền Abe cần giải tán Hạ viện khi đảng cầm quyền vẫn còn mạnh và khẳng định LDP “nhận được sự nhất trí của người dân cho 4 năm cầm quyền tiếp theo.”

Theo ý kiến chung của giới phân tích và cả phe đối lập cánh tả, Thủ tướng Abe không có gì để mất, nhiều nhất cùng chỉ vài ghế nghị sỹ.

Tuy nhiên, không phải chiến thắng đã hoàn toàn ở trong tầm tay của liên minh cầm quyền bởi vẫn còn rất nhiều vấn đề mà chính quyền Abe phải đề ra trong hồ sơ tranh cử sắp tới như việc thúc đẩy các nỗ lực nhằm thoát khỏi trình trạng giảm phát, vấn đề tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân, tăng cường vai trò của Lực lượng phòng vệ (SDF) trong các hoạt động bên ngoài lãnh thổ, di chuyển Căn cứ không quân Futenma ở Okinawa, soạn thảo định hướng quốc phòng song phương Nhật-Mỹ,... vốn được cho là những vấn đề “khó nhằn” mà ông Abe phải đương đầu trong thời gian tới.

Mặc dù không nắm trong tay thế chủ động song phe đối lập dường như cũng đã sẵn sàng thách thức liên minh cầm quyền của ông Abe. Vấn đề chi phí bầu cử chiếm tới 70 tỷ yên tiền thuế của người dân, hiệu quả chưa mấy rõ ràng của mũi tên thứ ba và kinh tế đang có dấu hiệu rơi vào suy thoái có thể là “gót chân Asin” mà các đảng đối lập sẽ tận dụng tối đa để công kích LDP và cá nhân Thủ tướng trong cuộc vận động tranh cử vào tháng tới.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử mà nhiều nghị sỹ đối lập cho rằng nó quá tốn kém và không có lý do chính đáng này lại có nhiều ý nghĩa đối với cá nhân Thủ tướng Abe và liên minh cầm quyền. Rõ ràng, đây là một động thái chính trị khôn ngoan của Thủ tướng Abe và các cố vấn thân cận trong LDP.

Mục đích chính của động thái này là vì Chính quyền Abe muốn tranh thủ thêm sự ủng hộ của cử tri đối với kế hoạch tăng thuế lần hai thêm 2% lên 10% vào tháng 4/2017 sau khi tuyên bố hoãn thêm 18 tháng để cứu vãn chính sách Abenomics.

Giữa lúc phải đối mặt với nhiều nhân tố bất lợi liên quan đến uy tín của nội các và hàng loạt các chương trình nghị sự cần thêm nhiều thời gian để thực hiện, một cuộc bầu cử mà phần thắng gần như nằm trong tầm tay sẽ giúp ông Abe làm mới lại hình ảnh của chính quyền trong con mắt cử tri và cho ông thêm ít nhất hai năm rảnh tay thúc đẩy những mục tiêu còn dang dở./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục