Vì sao TP.HCM kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách Thành phố?

Theo dự thảo phương án bội chi và vay, trả nợ của ngân sách địa phương năm 2020, mức dư nợ vay tối đa của ngân sách TP.HCM là 67.939 tỷ đồng; tổng mức vay của Thành phố là 14.190 tỷ đồng.
Vì sao TP.HCM kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách Thành phố? ảnh 1Công trường thi công tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Trước tình hình tỷ lệ ngân sách được giữ lại không đủ bù đắp nguồn chi cho đầu tư phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh đang có chủ trương kiến nghị Trung ương tăng tỷ lệ điều tiết theo một lộ trình nhất định.

Vay lại 23.931 tỷ đồng để “chạy”dự án metro

Tại kỳ họp thứ 17, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX khai mạc ngày 7/12, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có Tờ trình về xin chủ trương vay lại 114,34 tỷ yen, tương đương 23.931 tỷ đồng nguồn vốn vay nước ngoài (ODA) của Chính phủ để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành-Suối Tiên.

Công trình này có chiều dài 19,7km thuộc địa phận Thành phố Hồ Chí Minh và có một phần cuối tuyến thuộc địa phận tỉnh Bình Dương.

Dự án đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư là 43.757 tỷ đồng; trong đó, vốn vay ODA là 38.265 tỷ đồng và vốn đối ứng 5.491 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm khoản ODA vay lại 114,34 tỷ yen, tương đương 23.931 tỷ đồng.

[Dự án metro số 1 TP.HCM giảm 3.400 tỷ đồng tổng mức đầu tư]

Theo dự thảo phương án bội chi và vay, trả nợ của ngân sách địa phương năm 2020 do Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt, dự kiến hạn mức dư nợ và mức vay của ngân sách Thành phố trong năm 2020 như sau: mức dư nợ vay tối đa của ngân sách Thành phố là 67.939 tỷ đồng; tổng mức vay của Thành phố là 14.190 tỷ đồng (đã bao gồm vốn vay của dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Thành phố  Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành-Suối Tiên).

Dự kiến, mức dư nợ của ngân sách Thành phố đến ngày 31/12/2020 là 31.155 tỷ đồng, mức dư nợ trên đảm bảo trong giới hạn cho phép của Nghị quyết số 54 của Quốc hội.

Tuy nhiên, với tỷ lệ điều tiết thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp hiện nay là 18% và mức dư nợ cho vay của Thành phố thì dự kiến mức dư nợ giai đoạn 2024-2025 sẽ vượt hạn mức cho phép.

Để đảm bảo mức dư nợ giai đoạn 2021-2025 của Thành phố trong hạn mức cho phép, đủ điều kiện triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, Ủy ban Nhân dân Thành phố đề xuất 3 phương án.

Thứ nhất, kiến nghị áp dụng mức dư nợ vay theo Nghị quyết 54 của Quốc hội trong cả giai đoạn 2021-2025, tức tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp (với tỷ lệ điều tiết thu ngân sách được hưởng theo phân cấp là 18%).

Vì sao TP.HCM kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách Thành phố? ảnh 2Công trường thi công tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Phương án 2, Ủy ban Nhân dân Thành phố kiến nghị điều chỉnh tỷ lệ điều tiết thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, từ 18% (giai đoạn 2018-2020), giai đoạn 2021-2025 tăng lên với tỷ lệ điều tiết là 24% và giai đoạn 2026-2030 tỷ lệ điều tiết là 33%.

Phương án 3, Ủy ban Nhân dân Thành phố sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét quyết định trong trường hợp không đủ hạn mức vay lại.

Trong trường hợp các phương án nêu trên không được Trung ương xem xét, chấp thuận và mức dư nợ của Thành phố không đảm bảo trong hạn mức cho phép theo quy định, Ủy ban Nhân dân Thành phố báo cáo Chính phủ để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội quyết định, đáp ứng nhu cầu vay lại của Thành phố.

Tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố thấp nhất thế giới

Liên quan đến việc điều tiết tỷ lệ ngân sách cho Thành phố, trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố  Hồ Chí Minh cho biết, tỷ lệ điều tiết ngân sách của Trung ương cho Thành phố hiện là 18% trong tổng nguồn thu của Thành phố.

So với các Thành phố trên thế giới, tỷ lệ phân chia này đang ở mức thấp nhất thế giới. Khảo sát cho thấy tỷ lệ ngân sách trên thế giới mà một thành phố (thuộc siêu đô thị như Thành phố  Hồ Chí Minh) được giữ lại thấp nhất là 30% (thuộc về là một thành phố của Nhật Bản) và tỷ lệ cao nhất là 60% thuộc một thành phố của Na Uy.

Theo ông Phong, hiện Ủy ban Nhân dân Thành phố đang nghiên cứu, kiến nghị Trung ương điều chỉnh tỷ lệ phần trăm các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Đồng thời, đề nghị tăng tỷ lệ điều tiết hợp lý cho Thành phố  Hồ Chí Minh để bảo đảm Thành phố có điều kiện phát triển bền vững, giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và tiếp tục đóng góp lớn nhất cho cả nước.

Báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố  Hồ Chí Minh cho thấy trong năm 2019, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 412.474 tỷ đồng, đạt 103,34% dự toán và tăng 9,01% so với năm trước.

Nếu xét riêng kết quả thu phần nội địa, ước thực hiện đạt 97,85% dự toán, nhưng tăng 9,63% so với năm trước. Nếu không tính số Bộ Tài chính ghi thu cho ngân sách Thành phố, thì ước thực hiện thu nội địa đạt 91,53% dự toán.

Đặc biệt, đối với số thu từ khu vực kinh tế, mặc dù ngay từ đầu năm, Thành phố đã triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ, phát triển kinh tế nhằm nuôi dưỡng, huy động nguồn thu, kết quả thu tăng 8,93% so với cùng kỳ song vẫn không đạt dự toán được giao, chỉ đạt hơn 90% dự toán.

Nguyên nhân của thực trạng này được cho là do Trung ương giao dự toán thu từ khu vực kinh tế tăng quá cao so với thực hiện năm 2018 (tăng 20,97%), vượt quá khả năng huy động nguồn thu trên địa bàn.

Về chi ngân sách, trong năm 2019, ước thực hiện chi ngân sách của Thành phố là 77.718 tỷ đồng (bao gồm cả kinh phí chi trả thu nhập tăng thêm 7.244 tỷ đồng); trong đó, chi thường xuyên ước thực hiện 47.027 tỷ đồng và chi cho đầu tư phát triển là 22.611 tỷ đồng...

Như vậy, với tình hình thu chi ngân sách như trên và tỷ lệ điều tiết ngân sách của Trung ương cho Thành phố Hồ Chí Minh là 18% thì Thành phố đang bội chi.

Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội với cử tri, nhiều cử tri cho rằng tỷ lệ ngân sách Thành phố được giữ lại 18% hiện nay là quá thấp. Tỷ lệ thấp như vậy Thành phố khó chăm lo tốt cho đời sống cho người dân cũng như tái đầu tư, xây dựng, phát triển Thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục