Lúc sinh thời, Bác Hồ từng căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, tránh những căn bệnh ấy, rèn luyện đạo đức cách mạng, khi đương chức cũng như khi nghỉ hưu.
Thế nhưng, vẫn có những người tự kiêu tự mãn, để những căn bệnh ấy không chỉ làm méo mó hình ảnh, nhân cách, vinh quang của chính họ mà còn tạo ra dư luận xấu, ảnh hưởng đến niềm tin, tình cảm của nhân dân.
Ngay từ năm 1951, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến nhóm bệnh ở các cơ quan lãnh đạo các cấp, trong đó có bệnh công thần. Người viết: “Cậy mình có một ít thành tích, thì tự kiêu tự đại, cho mình là “cứu tinh” của dân, “công thần” của Đảng. Rồi đòi địa vị, đòi danh vọng. Việc to không làm được, việc nhỏ không muốn làm. Bệnh công thần rất có hại cho đoàn kết ở trong Đảng cũng như ở ngoài Đảng. Cậy thế mình là người của Đảng, phớt cả kỷ luật và cả cấp trên trong các đoàn thể nhân dân hoặc cơ quan Chính phủ...”
Công thần thường dẫn đến kiêu ngạo. Trong bài “Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn”, viết năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra những biểu hiện của thái độ kiêu ngạo như sau: “Kiêu ngạo là: khi công tác có ít nhiều thành tích, ít nhiều thắng lợi, thì lên mặt anh chị, lên mặt công thần. Trong công tác thì xem thường nhân dân, xa rời quần chúng. Khinh rẻ ý kiến của cấp dưới. Xem thường chỉ thị của cấp trên.”
Biểu hiện dễ thấy của những người mắc bệnh công thần là nói năng thiếu thận trọng, thậm chí bất chấp đúng sai. Với tư tưởng cậy công, cậy quyền, nghĩ rằng mình là người có nhiều đóng góp, đất nước phải mang “nợ”, những người công thần tỏ ra “kiêu ngạo” với đời, với đồng nghiệp, với nhân dân...