[Video] Ngắm trọn bộ bát đĩa hoa lam ngự dụng độc đáo từ thời Lê sơ

Bộ bát đĩa hoa lam ngự dụng thời Lê Sơ được công nhận là Bảo vật Quốc gia một phần là do đặc tính vượt trội của dòng gốm hoa lam được sử dụng trong thời kỳ này.

Nói tới Hoàng thành Thăng Long là nói tới quần thể di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Nơi đây lưu giữ hàng ngàn cổ vật quý hiếm của từng giai đoạn lịch sử, trong đó có bộ bát đĩa hoa lam ngự dụng thời Lê sơ (thế kỷ 15-16).

Đây là một bộ sưu tập gồm hai chiếc bát và năm chiếc đĩa từng là đồ dùng của nhà vua và thân quyến ở kinh thành Thăng Long.

Bộ sưu tập có giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa. Các hiện vật trong bộ bát đĩa là tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu và làm rõ quá trình tồn tại, thay đổi của các cung điện trong hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ.

Bộ bát đĩa hoa lam ngự dụng thời Lê Sơ được công nhận là Bảo vật Quốc gia một phần là do đặc tính vượt trội của dòng gốm hoa lam được sử dụng trong thời kỳ này.

[27 Bảo vật Quốc gia được công nhận đợt 11 năm 2022]

Ở thời Lý, thời Trần chủ yếu là dòng gốm men ngọc hoặc gốm hoa nâu. Tuy nhiên, từ những năm cuối của thế kỷ 14, thời Lê, các nghệ nhân đã cho ra đời loại gốm hoa lam mang những đặc tính vượt trội.

Gốm hoa lam làm từ đất sét trắng được loại bỏ tạp chất, xương đất mịn, nung ở nhiệt độ cao nên xương đất chớm cháy, kết cấu chặt chẽ lại mịn màng, tạo điều kiện để làm ra những sản phẩm đẹp nhất nhưng đặc biệt hơn cả là họa tiết rồng được trang trí trên bộ bát đĩa. Hoa văn đôi rồng đang bay lượn và nối đuôi nhau theo chiều kim đồng hồ được vẽ trên bát.

Hình ảnh rồng cuộn tròn in trên đĩa, có tổng cộng 4 chân thể hiện tư thế vận động như đang đạp vào mây với các bắp cơ nổi khối, 5 ngón chân giang rộng. Đây là biểu trưng cho quyền lực của nhà vua và giá trị văn hóa tiêu biểu của thời đại. Từng nét vẽ hoa văn, mảnh mai, tỉ mỉ và tinh xảo cho thấy trình độ và óc thẩm mỹ cao của người thợ gốm.

Bộ sưu tập bát đĩa ngự dụng thời Lê sơ trong Hoàng thành Thăng Long cho chúng ta những cảm nhận chân thực và sâu sắc hơn về tính vượt trội trong nghệ thuật trang trí đồ gốm sứ dành riêng cho các bậc đế vương và hơn cả là về tư tưởng, tôn giáo, văn hóa thời kỳ này./.

(Vietnam+)