[Video] Nỗ lực cứu vãn di sản của Tổng thống Mỹ Barack Obama

Danh sách di sản của Tổng thống Barack Obama không phải ít, từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp định khí hậu Paris cho đến chương trình Obamacare.

Tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vừa diễn ra tại thủ đô Lima, Peru, chuyến công du cuối cùng với tư cách là Tổng thống Mỹ của ông Barack Obama, thế giới đã chứng kiến một cuộc “chạy đua nước rút” nhằm bảo vệ những di sản về tự do thương mại và an ninh của ông trước các lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương đang cảm nhận sự bất định sau chiến thắng của tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hôm 8/11.

Danh sách di sản của Tổng thống Barack Obama không phải ngắn, từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp định khí hậu Paris cho đến chương trình cải cách chăm sóc sức khỏe Obamacare…

Và chuyến công du cuối cùng với tư cách là tổng thống Mỹ của ông bị phủ bóng bởi những lo âu của các nước về Tổng thống đắc cử Donald Trump và tương lai các di sản quan trọng này.

Đối với “đứa con cưng” TPP, ông Obama trấn an các đối tác kiên định với quá trình tự do hóa thương mại, trong khi người kế nhiệm Donald Trump luôn đổ lỗi việc này làm mất công ăn việc làm của người dân Mỹ.

Theo ông Obama, nếu TPP bị phá bỏ, vị thế của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương sẽ bị hạ thấp.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho hay: “Một số quốc gia đã bắt đầu phê chuẩn TPP. Đồng thời, chúng tôi đã nhận được nhiều lời kêu gọi về một hiệp định thương mại ít tham vọng hơn trong khu vực với những tiêu chuẩn thấp hơn, bớt tính bảo hộ cho người lao động và môi trường hơn. Đó là một thỏa thuận chắc chắn sẽ loại trừ người lao động và các doanh nghiệp Mỹ và tiếp cận với các thị trường.”

Tổng thống Obama cho rằng toàn cầu hóa “mang lại thịnh vượng, giáo dục và y tế,” nhưng thừa nhận quá trình này cũng có cả ưu điểm lẫn nhược điểm.

Với suy nghĩ ấy, ông lưu ý rằng một trong số những thách thức lớn nhất mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt trong những năm tới là "cùng nhau đảm bảo lợi ích của nền kinh tế toàn cầu được chia sẻ.”

Với thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Obama tuyên bố trước các đối tác rằng, việc dỡ bỏ thỏa thuận này là điều khó có thể giải thích được, nhất là khi thỏa thuận này đang tỏ ra hiệu quả.

Ông Michael E. O'Hanlon-Chuyên gia phân tích Viện Brookings: “Thế giới đang bớt minh bạch hơn và hỗn loạn hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng những chính sách của ông Obama sẽ góp phần giải quyết vấn đề với Nga, Trung Quốc và cả vấn đề Iran.”

Đối với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhằm trấn an mối e ngại của các quốc gia khi mà một trong những mục tiêu ông Trump đề ra ngay sau khi đắc cử là sẽ rút nước Mỹ khỏi Hiệp định cắt giảm carbon đã được thông qua tại Paris, tổng thống Obama khẳng định, Mỹ-cùng với Trung Quốc – sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hối thúc thế giới hành động về vấn đề biến đổi khí hậu.

6157 Tổng thống Mỹ Barack Obama: “Mỹ và Trung Quốc đóng vai trò then chốt trong việc hối thúc thế giới hành động chống biến đổi khí hậu. Chúng ta đang đối mặt với việc phải đảm bảo quá trình chuyển đổi nền kinh tế trở nên bền vững hơn.”

Cùng với những nỗ lực “chạy đua nước rút” bảo vệ những chính sách của mình tại hội nghị APEC, Chính quyền của Tổng thống Obama đã từng lập luận rằng kết quả bầu cử không thể ngăn nhà lãnh đạo đương nhiệm tiếp tục làm việc trong những tuần cuối cùng ở Nhà Trắng và như vậy, Tổng thống Obama vẫn còn thời gian để thúc đẩy chính sách của mình./.

(Vnews)