Lượng khí thải do khai thác Bitcoin tạo ra bằng của 6 triệu xe ôtô

Việc "đào" Bitcoin có thể đảo ngược thành quả giảm phát thải carbon

Từ giữa năm 2021 đến năm 2022, lượng khí thải carbon mà ngành này tạo ra là 27,4 triệu tấn, gần tương đương với lượng khí thải hằng năm của 6 triệu xe ôtô.
Việc "đào" Bitcoin có thể đảo ngược thành quả giảm phát thải carbon ảnh 1Đồng tiền điện tử Bitcoin. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Không giống các loại tiền tệ chính thống được làm từ giấy hoặc kim loại, Bitcoin là loại tiền trên môi trường ảo và không thể cầm nắm.

Dù vậy, việc khai thác Bitcoin có thể tiêu tốn hàng tỷ kilowatt điện, chủ yếu từ nhiên liệu hóa thạch - nguyên liệu phát thải khí carbon lớn nhất.

Trong báo cáo được hãng tin Reuters công bố ngày 23/9, các nhóm bảo vệ môi trường đã cảnh báo lượng khí thải carbon từ lĩnh vực khai thác Bitcoin của Mỹ đang gia tăng với tốc độ chóng mặt.

[Giới chuyên gia bi quan về triển vọng của đồng tiền bitcoin]

Từ giữa năm 2021 đến năm 2022, lượng khí thải carbon mà ngành này tạo ra là 27,4 triệu tấn - gấp 3 lần so với lượng khí thải của nhà máy than lớn nhất nước Mỹ.

Theo tính toán của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ, con số trên gần tương đương với lượng khí thải hằng năm của 6 triệu xe ôtô.

Các nhóm này đã hối thúc các bang của Mỹ cân nhắc áp đặt các lệnh cấm đối với các hoạt động khai thác mới để giúp bảo vệ hành tinh.

Trao đổi với báo giới, nhà phân tích năng lượng Jeremy Fisher thuộc Câu lạc bộ phi lợi nhuận Sierra và là đồng tác giả của báo cáo, cảnh báo khí thải từ lĩnh vực "khát" năng lượng có thể làm suy yếu các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Ông cho rằng trong bối cảnh thế giới đang đẩy nhanh nỗ lực giảm thiểu phát thải carbon, thì hoạt động "đào" Bitcoin lại có khả năng đảo ngược một số thành quả đạt được trong tiến trình này.

Bitcoin hoạt động dựa trên nền tảng blockchain (chuỗi khối), và chính cơ cấu hoạt động này là nguyên nhân khiến các giao dịch tiền điện tử Bitcoin ngốn lượng điện năng rất lớn.

Các thợ đào Bitcoin phải giải bài toán cho một câu đố thuật toán thông qua một hệ thống máy đào công suất lớn. Trung bình cứ sau mỗi 10 phút, một máy chủ tìm ra lời giải sẽ được nhận thưởng từ hệ thống với phần thưởng bằng Bitcoin.

Các thợ đào có xu hướng sử dụng rất nhiều máy đào và hệ thống làm mát hoạt động liên tục để giải nhiều thuật toán, thu nhiều lợi nhuận hơn.

Theo một nghiên cứu gần đây của Nhà Trắng, chỉ có 3,5% hoạt động khai thác Bitcoin toàn cầu là ở Mỹ vào năm 2020, song con số này hiện nay đang tăng lên gần mức 38%.

Các tập đoàn trong lĩnh vực Bitcoin lập luận rằng lĩnh vực tiền kỹ thuật số thân thiện với môi trường hơn những ngành công nghiệp nặng và tiêu tốn ít điện năng hơn, chiếm khoảng 0,09%-1,7% tổng số điện năng tiêu thụ tại Mỹ.

Trong khi đó, Hội đồng Khai thác Bitcoin đã công bố số liệu cho thấy hơn 50% điện năng được các thợ đào sử dụng đến từ năng lượng tái tạo.

Trước đó, một nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Joule hồi năm 2019 cho thấy việc khai thác Bitcoin từ các hệ thống máy tính có thể tạo ra từ 22 đến 22,9 triệu tấn khí thải carbon dioxide (CO2) mỗi năm, tương đương mức do hai nước Jordan và Sri Lanka tạo ra.

Hiện một số khu vực trên thế giới đã tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo cho việc khai thác Bitcoin.

Một số dự án đào Bitcoin ở Canada hay vùng lãnh thổ Siberia của Nga đã nỗ lực tìm cách hạn chế điện từ nhiên liệu hóa thạch, thay vào đó là thủy điện, điện Mặt Trời nhằm giảm thiểu lượng khí thải carbon.

Ngoài ra, một số nơi khác đang cố gắng tận dụng các nguồn nhiên liệu như khí đốt từ các mỏ dầu (thường bị loại bỏ) hay phế phẩm nông nghiệp để sản xuất điện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục