Việc VKS giải quyết án dân sự: Ý kiến khác nhau

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn nhiều ý kiến về quy định Viện Kiểm sát nên hay không nên tham gia giải quyết vụ án dân sự.
Tiếp tục phiên họp thứ 38, chiều 16/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng dân sự.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, song riêng quy định Viện Kiểm sát nên hay không nên tham gia các phiên tòa giải quyết vụ án dân sự còn nhiều ý kiến khác nhau.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Luật Tố tụng dân sự hiện hành quy định Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa đối với những vụ án dân sự do Tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại, tham gia các phiên họp giải quyết các việc dân sự thuộc thẩm quyền của tòa án, các vụ việc dân sự mà Viện Kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của tòa án dựa trên quan điểm tôn trọng sự tự định đoạt của các bên đương sự trong tố tụng dân sự.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Bộ Luật Tố tụng dân sự trong thời gian qua cho thấy quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự về sự tham gia của Viện Kiểm sát trong tố tụng dân sự đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.

Trong điều kiện trình độ dân trí còn hạn chế, người dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc tự chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước tòa án. Số lượng Luật sư chưa đáp ứng được yêu cầu tham gia tất cả các phiên tòa thì cần thiết phải mở rộng thẩm quyền của Viện Kiểm sát tham gia các phiên tòa dân sự tạo điều kiện đảm bảo để Viện Kiểm sát thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình.

Nêu quan điểm “việc dân sự cốt ở đôi bên,” Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính cho rằng giải quyết các vụ việc dân sự cần tuân thủ nguyên tắc cao nhất là để đôi bên tự xem xét, đánh giá, không thể nói dân trí hạn chế mà Viện Kiểm sát ngồi vào có thể bảo vệ được ngay, điều đó đi ngược lại nguyên tắc bảo vệ sự tự nguyện của đôi bên.

“Bộ luật hiện hành quy định Viện Kiểm sát không tham gia tất cả các phiên tòa giải quyết vụ án dân sự, trong khi tỷ lệ bản án quyết định dân sự bị hủy tăng lên do nguyên nhân nào chưa được chứng minh, chưa đánh giá kỹ lưỡng nay lại sửa đổi có lẽ là vội vàng,” ông Chính nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm này, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương Trần Văn Độ khẳng định: không nên để Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa giải quyết vụ án dân sự mà nên tập trung vào nhiệm vụ của cơ quan công tố mạnh.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận khẳng định, khoản 2 Điều 21 quy định Viện Kiểm sát “kiểm sát các vụ việc dân sự từ khi thụ lý đến khi kết thúc việc giải quyết vụ việc” nhưng lại “tham gia các phiên tòa, phiên họp sơ thẩm của Tòa án khi xét thấy cần thiết” là tùy nghi, nếu tiếp tục duy trì thì không phù hợp với Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Nguyên tắc "việc dân sự cốt ở hai bên," không phải cứ có Viện Kiểm sát đi kiểm tra thì mới bảo đảm khách quan.

Song, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba lại cho rằng quy định như Bộ Luật Tố tụng dân sự hiện hành đã bộc lộ những hạn chế như: tạo ra tình trạng khép kín trong quá trình thu thập chứng cứ, hòa giải, xét xử của Thẩm phán, nhiều vụ việc dân sự được giải quyết thiếu khách quan nhưng Viện Kiểm sát không kịp thời phát hiện để kháng nghị trong khi đó tỷ lệ bản án, quyết định dân sự của Tòa án bị hủy, bị sửa do có sai sót hàng năm không giảm.

Theo bà Thu Ba, kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện Kiểm sát và Cơ quan điều tra theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nêu rõ, Viện Kiểm sát Nhân dân tiếp tục thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp như hiện nay.

Vì vậy, khi chưa thực hiện việc chuyển Viện Kiểm sát thành Viện công tố như tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW và trong khi Viện Kiểm sát còn thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp thì cần quy định thẩm quyền của Viện Kiểm sát tham gia các phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự để tạo điều kiện cho Viện Kiểm sát thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình là cần thiết.

Xung quanh vấn đề cơ chế sửa bản án cao nhất khi có sai lầm nghiêm trọng, đa số các đại biểu nhất trí việc dự án Luật quy định một cơ chế đặc biệt để Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao được tự mình xem xét lại quyết định giám đốc thẩm có sai lầm nghiêm trọng.

Bởi thực tiễn xét xử giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao thời gian qua cho thấy có trường hợp quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao có sai lầm nghiêm trọng hoặc có chứng cứ mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định nhưng không có cơ chế để giải quyết lại, đương sự rất bức xúc, khiếu nại gay gắt, kéo dài.

Tán thành việc cần có cơ chế đặc biệt để sửa bản án cao nhất khi có sai lầm nghiêm trọng như báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nêu quan điểm trong khi chúng ta chưa có cơ chế bảo vệ quyền công dân tốt hơn thì trước mắt nên áp dụng cơ chế này để bảo vệ quyền công dân.

Ông Nguyễn Đức Chính, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng việc mở ra cơ chế này làm cho việc giải quyết các vụ việc dân sự không có điểm dừng. “Đồng ý khi có vi phạm thì phải sửa, nhưng sửa theo hướng bồi thường thiệt hại chứ không phải cho xét xử lại, vi phạm trình tự xét xử hai cấp,” ông Chính nói.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định của cơ quan, tổ chức khác, thẩm quyền của Viện Kiểm sát trong việc yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ… nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại diện các cơ quan chức năng./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục