Theo một nghiên cứu mới, nhiệt độ bề mặt Trái Đất sẽ không tăng thêm 4-5 độ C như trong kịch bản biến đổi khí hậu tới năm 2100 mà Liên hợp quốc công bố trước đây.
Tuy nhiên, các tác giả nhấn mạnh điều này không đồng nghĩa với việc giảm áp lực từ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Trong nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature, các nhà khoa học đã tính toán lại mức độ ảnh hưởng của khí thải gây hiệu ứng nhà kính đối với nhiệt độ bề mặt Trái Đất. Theo đó, mức tăng nhiệt tới cuối thế kỷ 21 sẽ chỉ bằng gần một nửa so với những tính toán trước đó được Liên hợp quốc công bố.
Trong 25 năm qua, Ủy ban Liên chính phủ về chống biến đổi khí hậu (IPCC) luôn dự đoán mức nhiệt toàn cầu tới cuối thế kỷ 21 sẽ tăng khoảng từ 1,5 độ C tới 4,5 độ C.
Bằng cách sử dụng phương pháp mới, các tác giả của nghiên cứu đã tính toán ra một biên độ tăng nhiệt khác, dao động từ 2,2 độ C đến 3,4 độ C.
Về cơ bản, các nhà khoa học vẫn tính toán tới hầu hết các yếu tố giống như của IPCC, chỉ loại bỏ các yếu tố "độ nhạy khí hậu" (biến động của nhiệt độ Trái Đất theo cấp độ gia tăng CO2) quá cao hoặc quá thấp. Nếu tính toán này là chính xác, thế giới sẽ tránh được viễn cảnh tồi tệ nhất là nhiệt độ bề mặt Trái Đất tăng tới 4,5 độ C.
[Trên 25% diện tích sẽ khô hạn dù nhiệt độ Trái Đất chỉ tăng 2 độ C]
Giám đốc Trung tâm Khí hậu Priestley tại Đại học Leeds (Anh) Piers Forster nhận định mô hình tính toán mới này phản ánh chính xác hơn cách thức mà Trái Đất sẽ phản ứng với tình trạng gia tăng nồng độ CO2 trong bầu khí quyển.
Tuy nhiên, các chuyên gia và tác giả của nghiên cứu cũng cảnh báo, tính toán mới cho thấy mức nhiệt tăng thấp hơn không đồng nghĩa với việc giảm áp lực từ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Nếu không tăng cường các nỗ lực nhằm giảm thiểu lượng khí thải CO2 ra bầu khí quyển thì loài người sẽ vẫn phải chứng kiến những hậu quả đau lòng của tình trạng ấm lên toàn cầu.
Hiệp định chống biến khí hậu ký kết tại Paris (Pháp) năm 2015 kêu gọi các quốc gia nỗ lực nhằm hạn chế mức nhiệt tăng dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng Công nghiệp, trong đó mức trần là 1,5 độ C.
Tuy nhiên, kể cả có đạt mục tiêu 1,5 độ C thì các nhà khoa học vẫn cảnh báo những hậu quả khôn lường. Bằng chứng là cho tới nay khi Trái Đất mới chỉ tăng 1 độ C, con người đã phải hứng chịu hàng loạt những thiên tai nghiêm trọng như hạn hán, mưa tuyết và bão lớn.
Vì vậy, nếu theo tính toán mới, với nhiệt độ tăng tối đa là 3,5 độ C, con người cũng vẫn phải chứng kiến những biến động lớn, thậm chí có thể đưa loài người sang một nền văn minh khác./.